Giải pháp phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tại các xã nông thôn mới

17/07/2013 - 09:59
Khảo sát mô hình trồng dưa hấu trên đất giồng cát ở xã Thừa Đức (Bình Đại). Ảnh: H. Hiệp

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã thực hiện vai trò cầu nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với các địa phương, các hộ nông dân; đồng thời, tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất đến với người dân. Nhờ vậy, một số nông sản thế mạnh của Bến Tre từng bước hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; năng suất, chất lượng nhiều sản phẩm còn thấp, giá thành cao, giá trị thu được còn thấp, sức cạnh tranh trên thị trường thấp, làm cho kinh tế hộ gặp nhiều khó khăn. Việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa nông dân với các thành phần kinh tế khác trong thời gian qua còn rời rạc. Tổng số tổ hợp tác (THT) trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được thành lập theo Nghị định 151/2007 và Thông tư 04/2008 tính đến 31-12-2012 là 52 tổ, tăng 22 tổ so với năm 2011. Trong đó, có 14 tổ thành lập từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tổng số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là 38 HTX có khoảng 21.900 xã viên (27 HTX nông nghiệp và 11 HTX thủy sản). Trong đó loại khá: 6 HTX, trung bình: 14 HTX, loại yếu: 18 HTX (có 6 HTX nông nghiệp đã giải thể và 9 HTX nông nghiệp đang làm thủ tục giải thể). THT đã hình thành và phát triển khá mạnh vì phù hợp với năng lực, trình độ của nông dân. Loại hình hợp tác này có hình thức giản đơn, tính chất giải quyết vụ việc, khi hoàn thành nhiệm vụ thì tự tan rã, như: tổ tương trợ vốn, tổ trang trí nội thất, tổ giúp nhau mua con giống chăn nuôi… Có số ít tổ còn duy trì lâu, nhưng ít có điều kiện phát triển, do chưa có chính sách cụ thể, chưa có mô hình.

Đến nay, tình hình phát triển kinh tế tập thể của tỉnh đã có những dấu hiệu khởi sắc, THT ngày càng tăng, đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động mới, trình độ quản lý của ban lãnh đạo tổ được nâng lên một bước, nhiều THT đã đi vào hoạt động có nề nếp. Hiện, có 6 THT được chứng nhận VietGAP (THT bưởi da xanh Phú Thành - xã Quới Sơn - Châu Thành), THT nhãn Long Hòa (Bình Đại), THT bưởi da xanh Hòa Nghĩa, THT măng cụt Long Thới (Chợ Lách), THT sản xuất trái chôm chôm Tiên Phú (Châu Thành), THT sầu riêng Sơn Định (Chợ Lách); 1 HTX bưởi da xanh xã Phú Nhuận (TP. Bến Tre) được công nhận tiêu chuẩn VietGAP, 1 THT cây ăn quả được công nhận GlobalGAP (THT chôm chôm Phú Phụng), 2 THT cacao xã An Khánh (Châu Thành) được công nhận tiêu chuẩn UTZ.

Qua thời gian hoạt động, tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế của tổ viên được thể hiện khá tốt, có nhiều hộ trong tổ đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó, tổ viên tích cực tham gia phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nâng chất danh hiệu gia đình văn hóa, tích cực tham gia xây dựng xã nông thôn mới. Bên cạnh đó, cũng còn tồn tại, khó khăn là chưa thu hút được nhiều nông dân tham gia vào mô hình cụ thể (bình quân mỗi THT có 15-20 tổ viên, diện tích 5-10ha); hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và THT (sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP) chưa được thực hiện nhiều.

Vì vậy, để có được nhiều mô hình sản xuất theo quy trình, chất lượng, thì cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất: Tận dụng đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp để hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn, tuyên truyền cho nông dân về thực hành sản xuất theo quy trình GAP.

Thứ hai: Kết hợp nhiều nguồn kinh phí như khuyến nông, giám sát chất lượng, xúc tiến thương mại… để hỗ trợ sản xuất, tăng cường kiểm soát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm.

Thứ ba: Giải pháp hỗ trợ quan trọng là mối liên kết “4 nhà” cần tiếp tục phát huy để cùng đề ra chiến lược trong việc hình thành vùng nguyên liệu GAP, xây dựng và phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm sản xuất theo quy trình GAP trong thời gian tới.

Phan Văn Trạng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN