Giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại năm 2023

08/02/2023 - 05:53

BDK - Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng những khó khăn, thách thức của biến động kinh tế trên toàn cầu, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp (CN) - tiểu thủ CN của tỉnh đạt 36.500 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 56.122 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ và đạt 100,2% kế hoạch.

Dừa trái Việt Nam được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đồng ý cho phép nhập khẩu vào thị trường này, đang tiếp tục hoàn tất các thủ tục liên quan.

Dừa trái Việt Nam được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đồng ý cho phép nhập khẩu vào thị trường này, đang tiếp tục hoàn tất các thủ tục liên quan.

Công nghiệp, năng lượng, thương mại

Trên địa bàn tỉnh có 10 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập, tổng diện tích 346,3ha, trong đó 8 cụm đã quy hoạch chi tiết, tổng diện tích 317,4ha, đã cho thuê 80,7ha, chiếm 35,3% diện tích đất CN. Có 4 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động. Các CCN có 27 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký gần 7.834 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 9.933 lao động.

Đáng chú ý, Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Phú Thuận có tổng diện tích đất 231,8ha. Thông tin từ UBND tỉnh, vấn đề hiện nay là triển khai xây dựng nhanh hạ tầng để mời gọi các dự án đầu tư thứ cấp. Nếu tiến độ dự án diễn ra thuận lợi thì KCN Phú Thuận có thể bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư trong năm 2023.

Tính đến nay, có 9/19 dự án điện gió đã được triển khai thực địa và lắp đặt 368/368MW, trong đó có 5 dự án của 4 doanh nghiệp (DN) được phát điện thương mại trước ngày 31-10-2021 theo Quyết định số 39/2019/QĐ-TTg, với công suất 93,05MW. Có 275MW điện gió đã lắp đặt hoàn thành và đang chờ cơ chế giá bán điện mới. Khi cơ chế giá điện gió được ban hành, tỉnh sẽ phát triển thêm được gần 275MW điện gió hòa vào lưới điện quốc gia. Ngoài ra, còn có 29 dự án điện gió khác (12,6GW) và 3 dự án điện khí LNG (10,5GW) đã được tỉnh trình Bộ Công Thương bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh khá sôi động. Giá cả hàng hóa ổn định, đảm bảo phục vụ tốt cho nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 56.122 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ và đạt 100,2% kế hoạch.

Xuất khẩu của tỉnh đã phục hồi và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đều có sự tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng gần 19,7% so với cùng kỳ và đạt 100,6% kế hoạch. Tỉnh phối hợp tổ chức lễ xuất khẩu lô bưởi đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ. Đây là loại trái cây thứ 7 được nhập khẩu vào thị trường này sau các loại xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Trong 7 sản phẩm cây ăn trái của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, thì tỉnh có 3 sản phẩm, gồm: bưởi, nhãn và chôm chôm.

Phấn đấu tăng trưởng trên các lĩnh vực

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết: Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh đẩy mạnh tiêu thụ dừa và các sản phẩm dừa, thông qua việc: Hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường xuất khẩu như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi, EU... Tổ chức đoàn xúc tiến sản phẩm nông thủy sản tỉnh vào thị trường các quốc gia Hồi giáo; tạo thuận lợi cho các DN Bến Tre đưa sản phẩm dừa tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, để mở rộng thị trường xuất khẩu; đưa các sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó có mặt hàng dừa trái vào danh mục được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Thúc đẩy quá trình đàm phán với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ để sớm cho phép trái dừa tươi Việt Nam vào danh sách được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ...

Năm 2023, UBND tỉnh đề ra 21 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phấn đấu, nỗ lực tăng trưởng GRDP đạt 9,3%. Để thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch này, CN tiếp tục được xác định là một trong những mũi nhọn đột phá. Sở Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình số 08 và Kế hoạch số 3707 của UBND tỉnh về phát triển CN chủ lực, lực lượng DN giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhỏ và vừa phát triển. Cùng với đó, tập trung triển khai công tác khuyến công có trọng tâm, trọng điểm, nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư đổi mới thiết bị, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất; phát triển thương mại nội địa và xuất khẩu… điện gió, chế biến dừa, cá.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu kiến nghị, hàng năm, tỉnh quan tâm cân đối, bố trí vốn ngân sách cùng với nguồn vốn đối ứng của các huyện, thành phố, vốn xã hội hóa… để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào CCN, trọng tâm là hạ tầng giao thông và hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đối với các huyện, thành phố chủ động bố trí một phần vốn ngân sách để lập quy hoạch chi tiết các CCN mới được thành lập, đầu tư các hạng mục chính của các CCN, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với chỉ tiêu “Mỗi huyện 1 CCN ít nhất 70ha. Riêng huyện Chợ Lách có diện tích phù hợp”. Sở cũng đã đưa ra giải pháp cụ thể đối với từng cụm, nhất là đối với CCN An Hòa Tây (Ba Tri), C2, thị trấn Thạnh Phú (Thạnh Phú), Phú Hưng (TP. Bến Tre), Bình Thới (Bình Đại).

Năm 2023, Sở Công Thương đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện giá trị sản xuất CN - tiểu thủ CN đạt 39.600 tỷ đồng, tăng khoảng 8,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 62 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 10,5%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD, tăng 12,6%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 650 triệu USD, tăng 14%. Phấn đấu có ít nhất 377MW điện gió đưa vào khai thác thương mại.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích