 |
Tiêm phòng cúm gia cầm ở Mỏ Cày Nam. Ảnh: Ngọc Thuận |
Chiều 20-9-2013, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án DBRP, UBND huyện Mỏ Cày Nam tổ chức hội thảo khoa học về dịch bệnh trong chăn nuôi và các giải pháp phòng chống. Th.S, BSTY Nguyễn Ngọc Huân - Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ, TS Nguyễn Văn Bắc - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cán bộ khoa học kỹ thuật tỉnh cùng trên 100 đại biểu, nông dân các huyện, thành phố về dự.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe nhiều tham luận giới thiệu tổng quát về tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi trên thế giới, trong nước, Bến Tre, chăn nuôi heo theo hướng sạch và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại huyện Mỏ Cày Nam; các giải pháp tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi làm hạn chế dịch bệnh hiện nay. Theo BSTY Nguyễn Ngọc Huân, ngành chăn nuôi trên thế giới và trong nước gần đây phát triển mạnh mẽ. Riêng ở nước ta, từ năm 1990 đến nay phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng bình quân 5,27%/năm. Tuy nhiên, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm, gây thiệt hại kinh tế lớn cho người nuôi. Trong đó, có tới 15 bệnh truyền nhiễm lây lan rất nghiêm trọng, nhanh, không phân biệt biên giới quốc gia, gây hậu quả nghiêm trọng. Đối với Việt Nam các bệnh thường xảy ra là: lở mồm long móng, tụ huyết trùng, tiêu chảy, cúm gia cầm, dịch tả, heo tai xanh. Để hạn chế dịch bệnh, ngoài việc người nuôi nắm bắt kỹ thuật mới, vấn đề quan trọng là tổ chức quản lý một cách có hiệu quả.
Đối với Bến Tre, theo Th.S Phan Trung Nghĩa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, từ đầu năm 2013 đến nay không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm (cúm gia cầm, lở mồm long móng, heo tai xanh). Tuy nhiên, ở Ba Tri có trường hợp nghi bò bị lở mồm long móng ở xã Tân Xuân, nhưng nhờ phát hiện sớm và chữa trị kịp thời nên đã ngăn chặn được. Theo qui luật phát sinh dịch bệnh, dịch heo tai xanh thường bùng phát mạnh và lan rộng 3 năm/lần. Cho nên, thời gian tới vẫn có nguy cơ cao tái phát dịch heo tai xanh do vi-rút lưu tồn rộng rãi trong đàn heo tại các địa phương trước đây có dịch; mức độ bảo hộ của đàn không đạt do đợt một chỉ tiêm phòng cho đàn nái, nọc và heo con từ 1-3 tháng tuổi tại các xã vùng nguy cơ cao, với 50.000 liều vắc-xin/tổng đàn 529.000 con. Người chăn nuôi chưa sử dụng rộng rãi vắc-xin này để tự tiêm phòng mà còn trông chờ Nhà nước hỗ trợ. Việc tiêm phòng vắc-xin các bệnh nguy hiểm như dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng đạt tỷ lệ rất thấp. Hiện nay, trong danh mục vắc-xin được phép lưu hành và sử dụng tại Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có nhiều loại có thể sử dụng để phòng, chống hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở heo. Tuy nhiên, các thí nghiệm cũng như thực tế chống dịch cho thấy vắc-xin nhược độc chủng JXA1-R của Trung Quốc có hiệu lực tốt trong tiêm bao vây ổ dịch, ngăn ngừa được tình trạng lây lan trên diện rộng. Năm 2013, ngân sách tỉnh đã chi cho công tác phòng chống dịch 100 ngàn liều vắc-xin nhược độc chủng JXA1-R cho các huyện có nguy cơ cao để phòng dịch. Đối với dịch cúm gia cầm, 3 năm qua, cũng không xảy ra dịch bệnh nhưng nguy cơ vẫn còn đe dọa bởi Tiền Giang đang có dịch trên đàn chim cút. Vi-rút gây bệnh lưu hành rộng rãi trong đàn thủy cầm, chim hoang. Người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán có tâm lý chủ quan, lơ là. Mưa nhiều, ẩm độ cao, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, môi trường bị ô nhiễm.
Còn theo TS Nguyễn Văn Đắc, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh được nhiều địa phương, hộ nuôi áp dụng khá thành công. Đó là đẩy mạnh chăn nuôi theo VietGAP, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh thái. Cụ thể như thử nghiệm sản phẩm vi sinh Balasa NO1 trong chất độn chuồng ở mô hình Chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học (loại giống gà Tàu lai nòi) tại Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam. Mô hình đã kịp thời đáp ứng nhu cầu của người nuôi. Ông Nguyễn Minh Việt, Lê Văn Sang, Lê Thanh Bình ở Cẩm Sơn; Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Dũng ở Tân Trung (Mỏ Cày Nam); Trần Vinh Thịnh ở Châu Bình (Giồng Trôm), khi sử dụng chế phẩm vi sinh trong chất độn chuồng gà cho biết, mùi hôi sinh ra từ chuồng đã được hạn chế, giúp gà khỏe mạnh, tăng trọng nhanh, tỷ lệ sống trung bình đến xuất chuồng đạt trên 90%, trọng lượng bình quân lúc 4 tháng tuổi là 1,5kg/con, tăng lợi nhuận bình quân 20.000 đ/con, ít xảy ra dịch bệnh, giảm được chi phí và công lao động. Đồng thời, tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng, chăn nuôi vịt an toàn sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học.
Điều rất đáng ghi nhận tại hội thảo là tham luận của Th.S Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mỏ Cày Nam trong việc tìm đầu ra cho chăn nuôi. Huyện có tổng đàn nuôi lớn nhất tỉnh với trên 200.000 heo, 10.000 hộ nuôi, có 67 trang trại heo. Thị trường tiêu thụ trong huyện khá ổn định, do một số thương lái chuyên mua để giết mổ cung cấp cho người tiêu dùng. Tiêu thụ ngoài huyện là kênh chủ yếu bởi heo hơi được xuất ra khỏi huyện qua nhiều hệ thống trung gian. Người nuôi không thể bán trực tiếp cho doanh nghiệp nên lãi thấp. Với cách phân phối này người nuôi là người thiệt thòi nhất trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng. Thời gian qua, huyện có thành lập Hiệp hội kinh tế trang trại nhằm tranh thủ các chính sách hỗ trợ, liên kết tiêu thụ sản phẩm để giảm bớt các khâu trung gian nhưng chưa có sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, các ngành hữu quan nên chưa phát huy được vai trò Hiệp hội trong bảo vệ người chăn nuôi.