Giải pháp thực hiện phát triển sinh kế cho hộ nghèo

22/11/2022 - 11:33

BDK.VN - Trong thời điểm dịch Covid-19 đã được kiểm soát, đời sống của người dân dần ổn định và các địa phương tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững được UBND tỉnh chỉ đạo ráo riết thực hiện.

Các mô hình chăn nuôi được hộ dân ưa chuộng để phát triển sinh kế, thoát nghèo bền vững.

Các mô hình chăn nuôi được hộ dân ưa chuộng để phát triển sinh kế, thoát nghèo bền vững.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022 - 2025 vừa được ban hành trong tháng 11-2022, căn cứ vào danh sách nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được phân loại, tỉnh đề ra một số giải pháp phát triển sinh kế để hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tăng thu nhập như: sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh doanh dịch vụ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tham gia các tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm kết nối các nguồn lực… Giải pháp hỗ trợ người nghèo mang tính chất tổng hợp để phát huy thế mạnh của người nghèo và các nguồn lực hỗ trợ để đạt hiệu quả cao nhất.

Qua kết quả rà soát, toàn tỉnh có 10.242 hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển sinh kế thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp. Giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia mô hình phát triển sinh kế thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp được đưa lên hàng đầu. Mục tiêu của giải pháp này là khai thác tối đa diện tích đất mà người nghèo, người cận nghèo hiện có để trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời nâng cao kiến thức người dân trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả cao nhất trong phát triển sinh kế.

Thông qua các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao kiến thức, kỹ năng trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, kết hợp tận dụng tối đa diện tích đất đai hiện có để trồng trọt, chăn nuôi cải thiện sinh kế, thu nhập ổn định. Thực hiện tập huấn công tác khuyến nông, khuyến ngư cho người nghèo, người cận nghèo theo hướng “cầm tay chỉ việc” và thường xuyên gắn với hộ nghèo, hộ cận nghèo để kịp thời tư vấn hỗ trợ khi cần thiết. Đồng thời, hỗ trợ về vốn vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo điều kiện giúp hộ nghèo sản xuất gắn với thị trường, tham gia các nhóm liên kết, tổ hợp tác, xây dựng nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả.  

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức thực hiện hoạt động công tác khuyến nông, khuyến ngư cho hộ nghèo; nhân rộng mô hình sinh kế hiệu quả; lồng ghép các chương trình dự án của ngành hỗ trợ hộ nghèo phát triển sinh kế trong lĩnh vực nông nghiệp; phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động ứng dụng khoa học trong sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn khai thác có hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp cho hộ nghèo. Xây dựng mô hình, chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường cho hộ nghèo.

Bên cạnh nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia phát triển sinh kế thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp là 10.242 hộ, kết quả rà soát của tỉnh cũng cho thấy, nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia phát triển sinh kế thông qua hoạt động sản xuất phi nông nghiệp là 3.019 hộ.

Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, đầu năm 2022, toàn tỉnh có 34.056 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,5%. Trong đó, 17.060 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,26% và 16.996 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 4,24%. Đa phần hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở khu vực nông thôn, chiếm đến 95,08%. Huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là Ba Tri 9,13%, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là An Hiệp (huyện Ba Tri) với 16,56%.

Tin, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN