Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, thống nhất, hiệu quả

03/05/2024 - 08:26

BDK - Thời gian qua, việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, thống nhất, hiệu quả theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Từ đó, góp phần tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch tại cơ quan hành chính nhà nước, hướng đến xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch vì nhân dân phục vụ.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nâng cao hiệu quả phục vụ trong việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nâng cao hiệu quả phục vụ trong việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả

Về công tác tổ chức và vận hành bộ phận một cửa (BPMC), tỉnh đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Đây là đơn vị hành chính đặc thù trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, đi vào hoạt động ổn định từ tháng 5-2019 đến nay. Trung tâm được bố trí tại tầng trệt Tòa nhà làm việc các sở ngành tỉnh, cơ sở vật chất khang trang, bố trí đầy đủ các trang thiết bị phục vụ việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành tỉnh. Tổng số công chức, viên chức được cử làm việc tại trung tâm là 28 người.

Bên cạnh đó, BPMC tại 9/9 huyện, thành phố và 157/157 xã, phường, thị trấn luôn được kiện toàn. BPMC các cấp hoạt động ổn định, đi vào nền nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến thực hiện TTHC. Tổng số công chức, viên chức làm việc tại BPMC cấp huyện là 97 người (trung bình 10 người/huyện). Cấp xã, thành lập BPMC của 157/157 xã, phường, thị trấn. Tổng số công chức làm việc tại BPMC cấp xã 612 người (trung bình 1 BPMC cấp xã có 4 người). BPMC cấp huyện, xã được bố trí các trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu tiếp nhận hồ sơ (HS) và trả kết quả giải quyết TTHC theo quy định.

Theo thống kê, tính đến ngày 26-4-2024, tổng số TTHC đang thực hiện tiếp nhận trên địa bàn tỉnh là 1.800 TTHC; trong đó, cấp tỉnh 1.441 TTHC, cấp huyện 243 TTHC, cấp xã 116 TTHC. Tỉnh đã triển khai thực hiện nhận HS và trả kết quả giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính (phi địa giới hành chính) từ ngày 1-12-2022 theo Quyết định số 2491/QĐ-UBND ngày 7-10-2022 của Chủ tịch UBND tỉnh, với tổng số TTHC thực hiện là 79 TTHC. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến 1.475/1.800 thủ tục (đạt 81,94% so với tổng số TTHC của tỉnh); trong đó, đã tích hợp, công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia là 1.273 dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 73,71%.

Năm 2023, toàn tỉnh tiếp nhận, giải quyết 1.105.825 HS TTHC; trong đó, cấp tỉnh 434.100 HS (có 52.325 HS tiếp nhận trực tuyến); cấp huyện 42.459 HS (có 7.460 HS tiếp nhận trực tuyến); cấp xã 629.266 HS (có 61.016 HS tiếp nhận trực tuyến). Trong quý I-2024, toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 253.789 HS; trong đó, cấp tỉnh 118.877 HS (18.550 HS tiếp nhận trực tuyến); cấp huyện 12.968 HS (2.548 HS tiếp nhận trực tuyến); cấp xã 121.944 HS (20.651 HS tiếp nhận trực tuyến). Tỷ lệ HS số hóa trên địa bàn tỉnh năm 2023 đạt 41,2% và trong quý I-2024 đạt 63,4% (tăng 22,2% so với năm 2023).

Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh thời gian qua đảm bảo kịp thời, thống nhất, hiệu quả. Qua đó, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện công tác giải quyết TTHC; hạn chế tình trạng trễ hạn trong giải quyết TTHC.

Việc thực hiện TTHC tại BPMC các cấp đã góp phần làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, tổ chức theo hướng nền hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch với cơ quan hành chính, giảm được tình trạng cá nhân, tổ chức phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều cơ quan để thực hiện TTHC. Đồng thời, đảm bảo đúng quy trình giải quyết TTHC, tuân thủ các biểu mẫu, lưu trữ đầy đủ thông tin để theo dõi và quản lý HS giải quyết TTHC đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát góp phần phòng chống tiêu cực trong quá trình giải quyết TTHC, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị các bộ ngành Trung ương tăng cường kết nối, chia sẻ đồng bộ HS TTHC từ hệ thống của bộ, ngành với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; chia sẻ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quá trình giải quyết TTHC của người dân được nhanh chóng, thuận tiện, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

“Tỉnh sẽ đề nghị Trung ương đánh giá kết quả thí điểm mô hình hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công trực thuộc UBND tỉnh tại một số tỉnh. Qua đó giới thiệu nhân rộng mô hình để các tỉnh, thành nghiên cứu, tham khảo nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của BPMC các cấp, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC”.

(Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam)

Bài, ảnh: Phương Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN