Giải quyết tình trạng người ăn xin, lang thang cơ nhỡ

27/05/2016 - 05:40

Ngành chức năng thành phố và chính quyền địa phương đến thăm bà Nguyễn Thị To (thứ hai, từ trái sang) đang sống cùng con gái và cháu tại xã Phú Hưng.

Thực hiện đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm cho người lang thang, ăn xin, tăng cường công tác quản lý, đăng ký nhân khẩu, hộ khẩu là những cách làm mà TP. Bến Tre áp dụng để giải quyết tình trạng người ăn xin, lang thang cơ nhỡ.

Ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng đô thị

Cách đây khoảng 3 tháng, bà Nguyễn Thị To, sinh năm 1950, thường trú huyện Giồng Trôm đi xin ở khu vực Phường 4, TP. Bến Tre. Nhận được tin báo của người dân ở phường, đoàn cán bộ UBND Phường 4 đã mời bà To về; vận động bà cam kết không đi xin và đưa bà trở về với gia đình chăm sóc. “Hiện sức khỏe của mẹ em và cuộc sống của gia đình đã ổn định, em đi bán vé số, còn mẹ ở nhà” - con gái bà To (đang tạm trú tại xã Phú Hưng) cho biết.

Bà Nguyễn Trần Cẩm Tú - Phó Chủ tịch UBND Phường 4 cho biết: Từ khi Nghị quyết của Thành ủy TP. Bến Tre về phấn đấu thực hiện chủ trương “Năm không” (không còn tình trạng vứt rác bừa bãi; không có người ăn xin, lang thang cơ nhỡ; không còn nhà ở tạm bợ; không để tăng người nghiện ma túy và nạn trộm cắp) ra đời, các trường hợp ăn xin, lang thang cơ nhỡ giảm nhiều so với trước đây. Đó là nhờ vào việc tuyên truyền các giải pháp thực hiện và tăng cường công tác quản lý, tạo điều kiện giúp đỡ bằng việc giới thiệu cho mạnh thường quân chăm sóc, trợ cấp, thành lập tổ tình nguyện giúp đỡ những người neo đơn…

Có thể nói, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp có liên quan trong tỉnh và thành phố, đặc biệt là với các địa phương khác trong việc tiếp nhận, quản lý, hỗ trợ, tạo điều kiện nhất định để đối tượng người ăn xin, lang thang cơ nhỡ ổn định cuộc sống là một trong những yêu cầu hàng đầu nhằm giải quyết tình trạng người ăn xin, lang thang cơ nhỡ trên địa bàn thành phố hiện nay.

Một số giải pháp đang triển khai

Các giải pháp được thành phố đưa ra nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và xã hội trong ngăn chặn tình trạng người ăn xin, lang thang cơ nhỡ trên địa bàn, góp phần đảm bảo an toàn xã hội và mỹ quan đô thị.

Cụ thể: phối hợp triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, chính sách bảo trợ xã hội. Huy động các nguồn lực hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là trẻ em thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, người già cô đơn, không nơi nương tựa, giúp họ khắc phục khó khăn để không phải lang thang kiếm sống. Tạo việc làm, dạy nghề cho đối tượng lang thang ăn xin đang trong độ tuổi lao động. Vận động cơ sở kinh doanh ăn uống, vui chơi, giải trí, cơ sở thờ tự cam kết không để đối tượng lang thang, xin ăn trong khuôn viên, địa bàn đơn vị kinh doanh, quản lý. Đẩy mạnh công tác giải quyết đối tượng, đồng thời giáo dục, hướng dẫn các đối tượng về với gia đình hoặc đưa vào sống tại cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định. Tăng cường công tác quản lý trật tự trị an, đặc biệt là việc kiểm tra, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú đối với những người từ nơi khác đến cư trú và các địa bàn trọng điểm như bến xe, các chợ, các tuyến đường có nhiều quán ăn.            

Một số địa phương cho rằng, đây là công việc mới chưa có tiền lệ trước đây trên địa bàn thành phố. Do đó cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ban, ngành, đoàn thể để thay đổi nhận thức của người dân, để người dân hiểu chính quyền thành phố đang giúp người dân có cuộc sống ổn định, góp phần xây dựng thành phố đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2020.

Bài, ảnh: T.Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN