Giải trình các ý kiến của cử tri trước Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa X

08/12/2021 - 06:13

BDK - Trước Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa X, cử tri trong tỉnh đã đặt nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế, đời sống người dân. Xung quanh nội dung này, với vai trò là cơ quan quản lý hành chính cao nhất ở địa phương, UBND tỉnh đã nghiêm túc tiếp thu và giải trình khá đầy đủ các vấn đề của cử tri.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ nông sản của nông dân. Ảnh: Cẩm Trúc

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ nông sản của nông dân. Ảnh: Cẩm Trúc

Thị trường biến động mạnh

Cử tri quan tâm đến tình hình giá cả vật tư nông nghiệp: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, giá gas tăng mạnh, nhưng giá các mặt hàng nông sản sụt giảm, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, đề nghị các ngành chức năng có giải pháp bình ổn thị trường; đồng thời, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống. UBND tỉnh đã nghiêm túc tiếp thu và giải trình như sau:

Thứ nhất, về giá xăng dầu, gas: Các mặt hàng này do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán xăng dầu, trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá theo biến động giá xăng dầu thế giới. Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố về giá xăng dầu thế giới, giá cơ sở, giá điều hành các mặt hàng xăng dầu. Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua tăng tại các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… đã tác động đến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường, trong đó có Việt Nam. Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Ở cấp tỉnh không có thẩm quyền quyết định về giá xăng dầu tăng hay giảm điều tiết giá từ Trung ương.

Đối với lĩnh vực kinh doanh khí gas, giá gas tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua do các thị trường châu Âu, châu Á và Mỹ đều có nhu cầu cao đối với nhiên liệu này để bắt đầu tăng dự trữ cho mùa đông sắp tới, dẫn đến nguồn cung khí gas trên thế giới khan hiếm. Bên cạnh đó, do tình hình dịch Covid-19 nên sản lượng khai thác cũng giảm (khoảng 70%) đã làm giá gas thị trường trong nước tăng theo. Tương tự giá xăng dầu, giá gas được điều tiết từ Trung ương.

Thứ hai, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất phân bón ở nhiều quốc gia gặp khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào, cước vận chuyển đều tăng mạnh, khiến giá phân bón trên toàn cầu liên tục tăng cao trong những tháng qua. Vì vậy, các loại phân bón nội địa cũng tăng giá theo. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc vận chuyển vật tư nông sản trở nên khó khăn hơn, đã tác động một phần đến giá các loại vật tư nông nghiệp… Ngoài ra, theo thông tin từ Bộ Công Thương, nguồn cung phân Urê trên toàn cầu thời gian gần đây giảm mạnh, giá phân bón của các nhà máy sản xuất trong nước (đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, đạm Phú Mỹ, đạm Cà Mau...), tuy có giá thấp hơn giá phân bón nhập khẩu cùng loại, nhưng theo quy luật thị trường giá phân bón tại Việt Nam vẫn phải đi theo đà tăng của giá thế giới.

Thứ ba, giá các mặt hàng nông sản giảm mạnh do đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát vào đúng thời điểm nhiều địa phương thu hoạch nông sản, trong khi thị trường tiêu thụ trong nước giảm, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp khiến việc tiêu thụ càng khó khăn hơn. Một số mặt hàng nông sản đến mùa thu hoạch nhưng lại không có thương lái đến thu gom, gặp khó khăn khi vận chuyển ra khỏi vùng dịch, gây ách tắc, ùn ứ cục bộ. Đặc biệt, các tỉnh, thành có mức tiêu thụ lớn như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây bị giãn cách xã hội do dịch bệnh nên sản phẩm nuôi trồng thủy sản xuất khẩu khó khăn, sức tiêu thụ chậm. Đồng thời, từ đầu năm 2021 đến nay, các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp (nhất là dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò) gây ảnh hưởng lớn đến phát triển sản xuất và làm tăng chi phí phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi, sản lượng tiêu thụ một số sản phẩm chăn nuôi giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Từ thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành để kết nối cung, cầu, tiêu thụ hàng hóa hỗ trợ bà con nông dân. Đặc biệt là kết nối với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm như: heo hơi, trái cây, dừa trái…, nhưng hiện nay cùng với lượng cung dư thừa của các địa phương khác thì sức tiêu thụ thịt heo tại thị trường TP. Hồ Chí Minh rất chậm, bình thường trước đây mỗi ngày tiêu thụ khoảng 10 ngàn con, trong lúc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ tiêu thụ khoảng 1 ngàn con/ngày và hiện nay khoảng 6 ngàn con/ngày. Do đó, việc hỗ trợ tiêu thụ heo hơi hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh đã từng bước khôi phục hoạt động trở lại; hoạt động đi lại, thu mua hàng hóa nông, thủy sản, lưu thông phân phối hàng hóa tại các địa phương được phục hồi. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ nông sản của nông dân cũng như sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp. Hỗ trợ kết nối với các đơn vị thu mua nông sản, các chợ đầu mối, các doanh nghiệp phân phối, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp chế biến và cung ứng nông sản thực phẩm; hỗ trợ đưa hàng hóa nông sản tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.

Điển hình một số hoạt động nổi bật như: Tỉnh đã tham gia hội thảo kết nối giao thương trái cây trực tuyến Việt Nam - Singapore - Trung Quốc; lễ phát động kết nối giao thương trực tuyến B2B giữa đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh; kết nối đưa sản phẩm (dừa xiêm xanh) vào khu bán hàng lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm Giga Market tại TP. Hồ Chí Minh; rà soát, thống kê sản phẩm chứng nhận OCOP, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh giới thiệu Vincom thực hiện kết nối... Quan tâm thị trường xuất khẩu thông qua cơ quan ngoại giao tại nước ngoài: Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại ngành dừa tỉnh Bến Tre với các đại sứ Việt Nam tại Slovakia, Nam Phi, Áo, Slovenia, Slovakia và Pakistan; Đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Đại công quốc Luxembourg, Phái đoàn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên minh châu Âu.

Hiện nay, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh, các huyện, thành phố nắm bắt tình hình sản xuất sản phẩm nông, thủy sản đến cuối năm 2021 để hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh sau dịch Covid-19. Đồng thời, triển khai thực hiện kế hoạch “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2021 và giai đoạn 2022 - 2025”.

Để giúp người dân tỉnh tiêu thụ hoa kiểng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở Công Thương tỉnh đã kết nối với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh giới thiệu các nhà vườn, thương lái tham gia hội chợ hoa xuân, chợ hoa tại TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tùy theo diễn biến tình hình dịch Covid-19 sẽ có giải pháp, định hướng kinh doanh phù hợp trong từng thời điểm.

Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN