Giải trình về công tác quản lý nhà nước với hệ thống thiết chế văn hóa và truyền thanh cơ sở

16/05/2023 - 13:15

BDK.VN - Ngày 16-5-2023 Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình với chủ đề “Công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống thiết chế văn hóa và truyền thanh cơ sở” nhằm đánh giá toàn diện, khách quan, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và đề xuất giải pháp trong công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống thiết chế văn hóa và truyền thanh cơ sở.

Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phiên giải trình.

Tham dự phiên giải trình có Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi, đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, các cá nhân được yêu cầu giải trình, đại biểu HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Thời gian qua, các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa và truyền thanh cơ sở, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên qua kết quả nhiều lần giám sát của HĐND tỉnh cho thấy, đa số các thiết chế văn hóa xã, ấp, khu phố hiện có chưa được khai thác, sử dụng đúng chức năng theo quy định. Phần lớn được sử dụng làm nơi làm việc, tổ chức hội họp và sinh hoạt của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao diễn ra ở các Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng, Nhà văn hóa ấp, khu phố chưa nhiều. Nhiều ấp, khu phố chưa có nhà văn hóa hoặc nhà văn hóa tạm, chưa đạt chuẩn nhưng chưa có quỹ đất, kinh phí để xây dựng hoặc nâng cấp. Nhiều nơi gặp khó khăn về kinh phí cho hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao, chất lượng hoạt động của đài truyền thanh chưa cao.

Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Văn Cuộn đặt vấn đề chất vấn.

Chất vấn tại phiên giải trình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Văn Cuộn đặt vấn đề trách nhiệm của UBND tỉnh trong xây dựng quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở của địa phương. Cùng với đó, các đại biểu cũng đặt vấn đề chất vấn liên quan đến nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh hỗ trợ theo Nghị quyết 21/2018/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng cấp xã, Nhà văn hóa – Khu thể thao ấp, khu phố; giải pháp để khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa đã được đầu tư và giải pháp thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Qua giải trình của đại diện UBND tỉnh, Sở Tài chính và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh cho thấy, hiện tỉnh chưa có Quy hoạch tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo quy định tại Quyết định số 2164/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở cho các ngành, các cấp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh. Chất lượng của các phong trào văn hóa, thể dục, thể thao ở cơ sở chưa phong phú nên chưa thu hút người dân tham gia và một số hạn chế từ đội ngũ làm công tác văn hóa cơ sở.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh.

Bên cạnh đó, mặc dù HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND  theo hướng nâng mức chi sự nghiệp văn hóa - thông tin cấp xã từ định mức 2.500 đồng/người dân/năm tăng lên 5.000 đồng/người/năm nhưng lại quy định mức khoán này chi cho cả phụ cấp kiêm nhiệm người quản lý Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng cấp xã, Nhà văn hóa - khu thể thao ấp, khu phố theo Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND và chi hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng xã (15 triệu/năm) và Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp, khu phố (5 triệu/năm) theo Nghị quyết 21/2018/NQ-HĐND nên hầu hết các địa phương, nhất là những địa phương có dân số ít đều gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động.

Đại biểu tham dự phiên giải trình.

Theo ý kiến của các đại biểu góp ý tại phiên giải trình, cần xem xét việc đưa quy hoạch về xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở vào Quy hoạch tổng thể chung của tỉnh đang thực hiện. Cần có sự đầu tư hợp lý về kinh phí cho xây dựng và hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở cũng như có giải pháp để giải quyết các khó khăn về kinh phí, bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng mới cũng như sử dụng hiệu quả các nhà văn hóa ấp đã xây dựng.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến phát biểu tại phiên giải trình.

Phát biểu kết luận phiên giải trình, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến đề nghị UBND tỉnh cần rà soát lại quy hoạch của tỉnh tích hợp Quyết định 2164 của Chính phủ về quy hoạch tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở cho tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu được đề ra trong Quy hoạch. Đến năm 2030 có 100% ấp, khu phố, xã đều có thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng. Đồng thời, đây sẽ là cơ sở để các địa phương chủ động, linh hoạt trong quy hoạch, chuẩn bị quỹ đất, bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở.

Cần có đánh giá về sự cần thiết mỗi ấp phải có nhà văn hóa đạt chuẩn theo tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới để có phản ánh, kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre, các cơ quan Trung ương có liên quan về nội dung trên để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, nhằm hạn chế tình trạng nhà văn hóa được xây dựng nhiều nhưng khai thác, sử dụng không hết công năng, gây lãng phí.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và địa phương rà soát lại tất cả các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành liên quan đến chính sách, kinh phí hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở để đề xuất HĐND điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, nhằm giúp cơ sở tháo gỡ một phần khó khăn về kinh phí hoạt động. Ngành chuyên môn và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, đúng quy định đối với các thiết chế văn hóa hiện có.

Tin, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN