Giải trình về tình hình tổ chức thực hiện 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh

08/11/2022 - 18:14

BDK.VN - Ngày 8-11-2022, Thường trực HĐND tỉnh Bến Tre khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức trực tuyến phiên giải trình về tình hình tổ chức thực hiện 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Huỳnh Quang Triệu, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê chủ tọa phiên giải trình. Tham dự phiên giải trình có Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh.

Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Quỳnh Nga giải trình.

Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Quỳnh Nga giải trình.

Đến nay toàn tỉnh thành lập được 1.099 tổ hợp tác (THT) và 177 hợp tác xã (HTX) trên các lĩnh vực. Trong đó, có 80 HTX, THT trong lĩnh vực nông - ngư nghiệp có vai trò quan trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh. Việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch GAP, sản xuất hữu cơ, xây dựng mã định danh vùng trồng và các chuẩn tương đương góp phần quan trọng đảm bảo an toàn thực phẩm giúp sản phẩm nông - thủy sản của tỉnh vượt rào cản kỹ thuật vào được các thị trường lớn, thị trường khó tính khu vực và thế giới.

Tại phiên giải trình về tình hình tổ chức thực hiện 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, có 15 ý kiến đặt ra của 13 đại biểu xoay quanh các vấn đề: Việc xây dựng và hoàn thiện phát triển 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sạch; cơ chế chính sách, thương mại, xúc tiến thị trường sản phẩm; vai trò HTX trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng phát triển chuỗi giá trị; chính sách đầu tư xây dựng phát triển vùng nguyên liệu…

Kết quả phiên giải trình cho thấy trong thời gian qua, UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã có sự quan tâm, tập trung triển khai nhiều giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển, hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 chuỗi được hình thành rõ nét đó là: Chuỗi sản phẩm dừa, chuỗi bưởi da xanh và chuỗi chôm chôm.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra.

Trong đó, chuỗi sản phẩm dừa là chuỗi lớn nhất thể hiện đầy đủ đặc điểm chuỗi sản phẩm, có hiệu quả và tạo ra giá trị tăng thêm khá lớn cho ngành dừa của tỉnh, liên kết đầu vào gắn với việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung sản xuất theo chuẩn GAP, sản xuất hữu cơ khá tốt, khoảng 30% sản lượng dừa trái của tỉnh tham gia chuỗi được chế biến sâu, đa dạng sản phẩm và thâm nhập vào được thị trường lớn của thế giới và khu vực. Dừa Bến Tre trở thành thương hiệu dừa Việt Nam (Vietcoco) được các thị trường lớn như: Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ rất quan tâm.

 2 chuỗi còn lại là chuỗi bưởi da xanh, chuỗi chôm chôm là chuỗi ngắn, liên kết đầu vào, đầu ra kém bền vững, sản phẩm tham gia chuỗi còn quá ít, có tham gia xuất khẩu ra thị trường ngoài nước nhưng chỉ xuất khẩu dạng sản phẩm tươi chưa được chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng không lớn.

Các sản phẩm còn lại như: Tôm biển, nhãn, hoa kiểng, heo, bò có mức độ sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa thể hiện đầy đủ đặc điểm của một liên kết chuỗi giá trị, chỉ dừng lại mức độ chuỗi cung ứng ngắn, liên kết tiêu thụ sản phẩm phổ biến theo phương thức người sản xuất “tự sản - tự tiêu”. Mô hình liên kết, sản xuất theo phương thức chuỗi giá trị góp phần làm tăng giá trị sản xuất và mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp - thủy sản Bến Tre.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc tổ chức thực hiện 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre vẫn còn một số hạn chế, như: Tiến độ xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh chậm; năng lực quản trị, quản lý, điều hành HTX yếu kém; liên kết ngang, liên kết dọc còn lỏng lẻo; quy mô vùng nguyên liệu sạch còn nhỏ, chất lượng vùng nguyên liệu chưa ổn định.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đồng tình và thống nhất cao với các vấn đề, giải pháp đại biểu đặt ra tại phiên giải trình. Đồng thời nhấn mạnh, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong thời gian tới là cần phải chú trọng việc liên kết ngang thông qua HTX và THT; liên kết dọc với doanh nghiệp; cần phải có doanh nghiệp đầu chuỗi, đặc biệt cần quan tâm đến việc thu hút đầu tư.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh phát biểu tại phiên giải trình.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh phát biểu tại phiên giải trình.

Ngành nông nghiệp và các địa phương trước mắt cần tập trung sản xuất theo hướng sạch, gắn với doanh nghiệp khi thị trường có yêu cầu. Theo xu hướng phát triển, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm sạch (sản phẩm OCOP), cần tập trung nhiều hơn cho sản phẩm này để trước mắt là tiêu thụ ở thị trường trong nước. Rà soát lại tất cả các chính sách để tập trung nguồn lực thực hiện; số hóa ngành nông nghiệp…

Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Phát triển chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. UBND tỉnh sẽ có chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện”.

Kết luận phiên giải trình, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến đề nghị: UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan, các địa phương quan tâm kiện toàn phát triển 8 chuỗi sản phẩm; củng cố, phát triển thành phần kinh tế tập thể; tập trung xây dựng vùng nguyên liệu sạch.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến kết luận tại phiên giải trình.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến kết luận tại phiên giải trình.

Theo đó, phát triển HTX, xây dựng vùng nguyên liệu sạch tiến tới hoàn thiện các chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Phát triển mạnh hơn nữa chuỗi giá trị sản phẩm dừa, củng cố mở rộng phát triển có chiều sâu và tạo thương hiệu mạnh cho các chuỗi sản phẩm tôm biển, bưởi da xanh, chôm chôm và một số sản phẩm đặc sản khác. Tiếp tục xây dựng phát triển các mô hình liên kết tiêu thụ các sản phẩm heo, bò, nhãn và cây giống - hoa kiểng lên thành chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh. Tạo giá trị tăng thêm cho các chuỗi sản phẩm cao hơn, cụ thể giá trị chuỗi dừa và tôm biển đều đạt 1 tỷ USD; chuỗi bò và cây giống - hoa kiểng đều đạt 500 triệu USD vào năm 2025.

Về cơ chế chính sách, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến cho rằng: Trong giai đoạn đầu mới thành lập, HTX còn rất nhiều khó khăn, cần sự hỗ trợ của nhà nước về đất đai, mặt bằng xây dựng văn phòng làm việc, xây dựng hạ tầng sản xuất nhưng do vướng cơ chế giao quyền sử dụng nhà công, đất công và quy hoạch sử dụng đất nên còn nhiều HTX chưa nhận được sự hỗ trợ ban đầu của nhà nước. UBND tỉnh có cơ chế tháo gỡ khó khăn về đất đai để giúp HTX có điều kiện tiếp nhận tốt các chính sách hỗ trợ quan trọng khác để phát triển.

Các địa phương cần có cơ chế phối hợp tốt với ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi để HTX tiếp cận được nguồn tín dụng, huy động có hiệu quả các nguồn tài chính để phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư, phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông - thủy sản trên địa bàn tỉnh, công nghiệp chế biến sâu tạo giá trị tăng thêm lớn cho chuỗi giá trị.

Tin, ảnh: C. Trúc

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN