
Bà Trần Thị Hồng chuyển sang nuôi vịt sau khi bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi.
Giá heo tăng trở lại
Ông Nguyễn Thanh Thêm vừa là thương lái, vừa là chủ cơ sở giết mổ tập trung xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam cho hay: “Giá heo hiện ở mức 3,5 - 3,8 triệu đồng/tạ, tăng từ 300 - 400 ngàn đồng/tạ so với tuần rồi. Theo ông Thêm, nguyên nhân do số lượng thịt heo trong dân đã giảm đáng kể. Số lượng heo thịt gần như cạn kiệt, kế đến là heo nái và heo con cũng khan hiếm. Dự báo trong một tháng tới, nguồn cung thịt heo sẽ giảm đến 50%, do trước đó người dân đã bán tháo heo do sợ dịch bệnh. Nếu nguồn cung trong tỉnh thiếu hụt, chúng tôi phải mua heo từ Đồng Nai”. Hiện mỗi ngày cơ sở của ông Thêm giết mổ từ 80 - 100 con heo.
Trong “cơn lốc” của bệnh dịch tả heo châu Phi diễn ra trên phạm vi cả nước, dù Bến Tre là tỉnh thứ 61/63 tỉnh, thành xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi và thời gian xảy ra ngắn, nhưng tình hình diễn biến hết sức phức tạp. Đến nay, đã có 43 xã của 8 huyện, thành phố (trừ Bình Đại) có dịch (có một số xã đã qua 30 ngày), số heo mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy khoảng hơn 10 ngàn con.
Tại hội nghị phát triển chăn nuôi heo an toàn sinh học và chăn nuôi gia cầm đảm bảo tính bền vững, góp ý cho các nghị định và thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi diễn ra tại Bến Tre vừa qua, Bộ NN&PTNT thông tin: Nguồn cung thịt heo trên cả nước đang thiếu hụt, sản lượng thâm hụt thịt heo hiện gần 7% sau 7 tháng xảy ra dịch tả heo châu Phi. Tính đến tháng 7-2019, tổng đàn heo cả nước trên 22 triệu con, giảm 18,5% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng đàn gia cầm cả nước năm 2018 đạt 409 triệu con gia cầm, trong đó chỉ tính riêng gà là 317 triệu con.
Để bù đắp lượng thịt heo đang bị thiếu hụt, nhập khẩu thịt heo tăng cao. Riêng 7 tháng năm 2019, Việt Nam nhập khẩu là 11,6 ngàn tấn thịt heo, tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2018 (cả năm 2018 là 14,3 ngàn tấn). Một số sản phẩm thịt heo Việt Nam đang nhập khẩu chủ yếu là chân giò, xương sụn, thịt ức, thịt vai, sườn đông lạnh, ba chỉ, mỡ và nội tạng. Dịch tả heo châu Phi đã khiến nguồn cung thịt heo trong nước thiếu hụt, việc nhập khẩu thịt heo là để cân đối nhu cầu thị trường trong nước.
Định hướng giảm đàn
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, diễn biến dịch tả heo châu Phi quan sát trong tháng 7, 8 và đầu tháng 9-2019 đang có chiều hướng giảm (số lượng heo tiêu hủy). Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi vẫn lây lan hết sức phức tạp, chính quyền và người dân không được lơ là trong việc phòng chống dịch. Đồng thời, phát triển chăn nuôi heo an toàn sinh học, cộng với đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, tăng cường nuôi trồng thủy sản, nhằm đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu xã hội.
“10 năm qua, Bộ NN&PTNT đã có chiến lược phát triển chăn nuôi, sắp tới, Bộ sẽ tổng kết và có chiến lược mới. Trong chiến lược cũ đã có định hướng giảm thịt heo nhưng sau 10 năm, tỷ lệ thịt heo vẫn ở mức 72 - 73% so với tổng sản phẩm thịt tiêu thụ. Thời gian tới phải giảm thịt heo để cân đối dinh dưỡng khoa học hơn, cân bằng sinh thái”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ bên lề hội nghị.
Cả nước đang có khoảng 2,4 triệu hộ chăn nuôi heo, chăn nuôi heo đang là sinh kế của rất nhiều người, Bộ NN&PTNT cho biết, bộ đang hình thành “những bước đi” để chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh để tái cơ cấu lại chăn nuôi. Ở phạm vi toàn quốc, những cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt an toàn sinh học cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ít xảy ra dịch bệnh, giữ vững được trong bối cảnh dịch bệnh dịch tả heo châu Phi đang hoành hành.
Theo đó, việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi sẽ diễn ra theo hướng: vùng đồng bằng sông Cửu Long thay đổi theo hướng sang chăn nuôi an toàn sinh học do mật độ dân số cao. Tái cơ cấu vật nuôi với sản lượng thịt heo hơi từ 72,7% năm 2016 giảm xuống còn 68,2% năm 2020 và duy trì ở mức 60 - 65% thời điểm 2030. Tái cơ cấu về phương thức sản xuất chăn nuôi chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại xác định quy mô trang trại phù hợp với từng loại vật nuôi từng vùng địa phương. Đến năm 2020, ngành chăn nuôi heo cơ bản chuyển sang sản xuất theo phương thức trang trại công nghiệp thực hiện sản xuất chăn nuôi heo theo hình thức chuỗi liên kết bao gồm chuỗi khép kín và đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Buội - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho hay, toàn tỉnh có trên 80 ngàn hộ chăn nuôi heo và gia cầm, số lượng heo trên 600 ngàn con, gia cầm hơn 6 triệu con, chủ yếu là nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngành nông nghiệp tỉnh cần cơ chế chính sách đặc thù khuyến khích người dân chuyển đổi hình thức chăn nuôi từ nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi lớn, dễ áp dụng an toàn sinh học.
Giải pháp trước mắt, để đảm bảo nguồn thực phẩm, người dân cần cân đối tỷ lệ thịt heo trên bàn ăn hàng ngày theo hướng giảm thịt heo, tăng gia cầm, thủy sản theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện giá heo hơi của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trong khu vực châu Á. Giá heo hơi hiện tăng cao ở khu vực nông thôn, chợ cóc, khu vực giết mổ nhỏ lẻ. Lý do là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được nguồn cung heo hơi từ các trang trại lớn, doanh nghiệp, gây lan tỏa tâm lý thị trường đang thiếu thịt kéo giá thịt heo cả nước lên cao. Quan sát của bộ cho thấy, trong những tháng quý I và quý II-2019 do bệnh dịch tả heo châu Phi, giá thịt heo hơi xuống thấp dưới 30 ngàn đồng/kg, ở thời điểm hiện tại, giá cao nhất là 49 ngàn đồng/kg, thấp nhất là 35 ngàn đồng/kg. |
Bài, ảnh: Thạch Thảo