Rác thải sinh hoạt chưa được phân loại, lẫn lộn với rác thải nhựa bị vứt bừa bãi bên đường, thuộc quốc lộ 57, qua xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách. Ảnh: Thanh Đồng
Xử lý rác thải sinh hoạt
Hiện tại, toàn bộ lượng rác thu gom trên địa bàn TP. Bến Tre, huyện Châu Thành, một số xã của huyện Giồng Trôm được chuyển về xử lý tại bãi rác tỉnh. Đối với một số huyện có hệ thống thu gom và có bãi rác thì rác được tập kết và đổ lộ thiên tại các bãi rác, đổ dần từ trong ra ngoài, thành nhiều lớp. Mùa nắng, rác được đốt, mùa mưa để phân hủy tự nhiên kết hợp phun chế phẩm EM để hạn chế mùi, ruồi. Theo báo cáo của Phòng Kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, bình quân tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đô thị của tỉnh đạt 78%; các thị trấn, các khu dân cư của huyện tỷ lệ thu từ 68 - 73%. Tại các thị trấn, khu dân cư của các huyện còn lại, việc thu gom, vận chuyển rác được thực hiện bởi các đội vệ sinh môi trường thuộc UBND các thị trấn hoặc các doanh nghiệp tư nhân dưới sự phối hợp quản lý của phòng kinh tế - hạ tầng huyện.
Xã Thành Triệu, huyện Châu Thành có bãi tập kết rác thải sinh hoạt. Việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt được xã Thành Triệu ký hợp đồng để thu gom rác với 54 hộ dân và 164 tiểu thương tại khu vực chợ Thành Triệu. Mỗi hộ 40 ngàn đồng để trả cho người đi thu gom. Mỗi ngày, đơn vị vận chuyển rác sẽ thu gom khoảng 5 thùng rác về điểm tập kết. Kể từ khi điểm tập kết rác đi vào hoạt động, việc ô nhiễm môi trường do rác thải đã được xử lý.
Đối với các khu vực vùng ven hoặc vùng nông thôn không được thu gom thì người dân tự xử lý bằng hình thức chôn hoặc đốt. Một bộ phận người dân vẫn còn hành động vứt ra môi trường tự nhiên, ao, mương, đồng ruộng… Tại xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam có trên 2.450 hộ dân, trong đó, có 150 hộ được thu gom rác. Trong đề tài nghiên cứu nguồn gốc phát sinh, thu gom, vận chuyển đề xuất biện pháp xử lý rác của sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết người dân xử lý bằng cách đào hố chôn lấp, đốt; thậm chí không ít người chọn câu trả lời vứt ra ao, mương gần nhà.
Ngành chức năng cho biết, việc đốt túi nylon ở nhiệt độ thấp sẽ tạo ra khí thải có chứa chất độc Dioxin và Furan gây ngộ độc, khó thở, nôn ra máu gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Túi nylon chứa 2 chất PE và PP, khi đốt sẽ tạo thành khí cacbonic, Metan và khí dioxin cực độc. Đối với việc chôn túi nylon sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, ngăn cản oxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.
Theo ông Mai Thượng Hanh - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh, việc chôn và đốt rác tuy chưa là biện pháp tối ưu trong xử lý rác nhưng tốt hơn nhiều lần so việc vứt bừa bãi không đúng nơi quy định. Trường hợp vứt rác, túi nylon xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh.
Phân loại rác tại hộ gia đình
Theo Điều 15, Chương III về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, chất thải rắn sinh hoạt được chia thành 3 nhóm gồm: rác hữu cơ là rác dễ phân hủy như các loại thức ăn thừa, thịt, xương cá, rau củ, bã trà, cà phê, rác vườn, rơm rạ…; rác tái chế là rác khó phân hủy, được thu gom, tái chế lại thành vật có ích như các loại nhựa (chai nhựa, túi nylon, bao bì…), lon nhôm, đồ hộp, sắt, thủy tinh, giấy…; và nhóm còn lại. Chất thải rắn sinh hoạt phải được phân loại tại nguồn và xử lý phù hợp.
Ông Trương Tấn Tươi ở ấp Phước Hòa, xã Thành Triệu, huyện Châu Thành cho biết: “Gia đình tôi đã phân rác thành 3 loại vào 3 sọt chứa: bao nylon, bao thuốc bảo vệ thực vật để riêng; lá cây mà phân hủy được tôi đem chôn làm phân hữu cơ; rác thải điện tử như bóng đèn đem đến điểm tập kết rác. Nhờ đó, quanh nhà tôi sạch sẽ, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại là vùng đất cồn nên trên địa bàn xã không tổ chức thu gom rác tập trung. Từ lâu nay, trong nếp sinh hoạt thường ngày của người dân đã quen với cách xử lý tại nhà là đốt và chôn rác. Hầu hết gia đình đều tiến hành phân loại rác trước khi xử lý. Ông Hồ Văn Diễn, ở Tổ NDTQ số 8, Ấp 4, xã Tam Hiệp cho biết: “Trước khi xử lý đốt rác, gia đình tôi tách các loại chai nhựa, nylon để riêng, bán cho phế liệu, còn rác hữu cơ sinh hoạt cũng như cây lá rụng trong vườn thì gom lại đốt”. Trong Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2018, nhà ông Diễn là một trong nhiều hộ trên địa bàn xã được thanh niên hỗ trợ đào hố chôn lấp rác trong vườn nhà. Với cái hố này, ông chôn lấp các loại rác hữu cơ, rác vườn.
Hay tại hộ bà Nguyễn Thị Bích Duyên, Tổ NDTQ số 4, Ấp 1, xã Tam Hiệp, việc phân loại rác được thực hiện ngay từ trong bếp. Các loại rác hữu cơ từ thực phẩm được gom riêng, túi nylon, đồ nhựa để riêng ở một thùng đựng khác. “Rác phân loại tại nhà, cái nào chôn lấp được thì mình chôn lấp, hoặc đốt. Tôi không đốt các loại nylon, đồ nhựa vì rất có hại, lại càng không xả ra môi trường. Làm vậy để giữ cho cảnh quan môi trường mình ở được sạch sẽ”, bà Duyên cho biết.
Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh hiện cũng mới chỉ ở mức độ các gia đình thu gom những vật liệu có thể bán phế liệu được như: lon nhôm, sắt, đồ nhựa, giấy… Ông Mai Thượng Hanh cho biết, trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống thu hồi, tái chế, tái sử dụng rác thải sinh hoạt. Còn lại các chất thải rắn khác bao gồm rác thải hữu cơ lẫn các loại rác khó phân hủy như pin, bao bì nhựa vụn, có in màu, hộp sữa giấy, các loại tã trẻ em, ống hút… đều được thu gom chung.
“Dự kiến, ngành môi trường sẽ hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường. Nhưng chủ yếu vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện phân loại rác tại gia đình và hàng ngày mang ra để đúng nơi quy định. Qua đó, tạo thói quen về việc có ý thức phân loại rác trong sinh hoạt và sản xuất. Hình thức phân loại rác tại nguồn này giúp phát huy tối đa hiệu quả của trạm xử lý rác thải tập trung. Có như thế, tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn mới được giải quyết dứt điểm”.
(Ông Mai Thượng Hanh - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh)
|
Thanh Đồng - Phan Hân