Giáo sư Nayan Chanda: Tận hưởng trọn vẹn sự yên bình ở Bến Tre

05/05/2025 - 05:50

BDK - Đúng nửa thế kỷ sau thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975, nhà báo người Ấn Độ Nayan Chanda - người từng chứng kiến tận mắt cuộc chuyển giao lịch sử ở Sài Gòn đã có mặt tại tỉnh, vùng đất hiền hòa bên dòng Hàm Luông, để lắng nghe tiếng thì thầm của quá khứ và chiêm nghiệm sự đổi thay của một Việt Nam sau chiến tranh.

Giáo sư Nayan Chanda cùng vợ đến thắp hương và chụp hình lưu niệm tại Đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Chúng tôi gặp ông Nayan Chanda tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định (xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm), nơi lưu giữ ký ức oai hùng của người con gái kiên trung đất Bến Tre. Dáng ông vẫn nhanh nhẹn, ánh mắt sâu lắng như in hằn lớp thời gian. Chuyến trở lại Việt Nam lần này, với ông, không chỉ là hành trình về lại những vùng ký ức, mà còn là cuộc tìm kiếm sự hòa bình từ trong tâm tưởng. “Tôi từng chứng kiến chiến tranh chấm dứt. Nhưng lần này, tôi thấy hòa bình thật sự hiện hữu trong từng con đường, dòng sông, trong cả nụ cười của người dân Bến Tre”, ông Nayan Chanda xúc động nói.

Là phóng viên thường trú tại Đông Dương của Tạp chí Far Eastern Economic Review, ông Nayan Chanda có mặt tại Sài Gòn ngay ngày 30-4-1975. Khi hầu hết các phóng viên quốc tế lựa chọn lên máy bay để bay về, ông quyết định ở lại, bất chấp lời khuyên từ Hong Kong rằng “không có câu chuyện nào đáng giá hơn mạng sống cả”. Đối với ông Chanda, chứng kiến hồi kết của cuộc chiến không chỉ là trách nhiệm nghề nghiệp, mà còn là một phần sứ mệnh cá nhân ông, của một người làm báo trung thực, dũng cảm.

Ký ức về buổi sáng định mệnh vẫn rõ mồn một: Tiếng trực thăng rầm rập. Đám đông tuyệt vọng chen nhau tại cảng Sài Gòn. Và khoảnh khắc chiếc trực thăng CH-46 cuối cùng rời mái nhà Đại sứ quán Mỹ, để lại phía sau một Sài Gòn hỗn loạn. “Tôi đã chạy theo chiếc xe tăng cắm cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tiến vào Dinh Độc Lập. Khi họ vẫy tay chào lại, tôi hiểu rằng, lịch sử đã sang trang”.

Đây là lần thứ hai ông Chanda về với Bến Tre. Lý do sâu xa chính là tình bạn với ông Bùi Hữu Nhân - một cán bộ miền Nam tập kết từng cùng ông làm việc tại Hà Nội. “Tôi vẫn nhớ ông Nhân từng nói, chiến thắng với ông đơn giản là được ăn lại quả sầu riêng, măng cụt quê nhà, được gặp lại mẹ, anh trai và cháu mình. Đó là hình ảnh hòa bình rất thật”, ông Chanda kể.

Lần này về lại, ông Chanda không hỏi chuyện chính trị. Thay vào đó, ông trao đổi, tìm hiểu về sầu riêng, măng cụt - như cách ông bạn già ngày xưa từng mong ngóng. Giữa lòng quê thanh bình, ông như sống lại một phần của thời gian đã mất.

“Đường phố Bến Tre sạch sẽ, người dân hiền hòa. Môi trường thì trong lành đáng kinh ngạc”, ông chia sẻ với ánh mắt lấp lánh niềm vui. Trải nghiệm bắt tôm trên sông rồi chấm muối bần, một món ăn tưởng chừng dân dã lại trở thành kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình của ông. “Tôi thực sự ấn tượng với vị tươi ngon của món ăn nơi đây. Mọi thứ đều rất đặc trưng, rất tuyệt”.

Hiện là giảng viên đại học tại Ấn Độ, ông Chanda cho biết sau chuyến đi này, ông sẽ viết một bài giảng đặc biệt về Việt Nam sau 50 năm thống nhất, với một phần quan trọng dành riêng cho TP. Hồ Chí Minh và Bến Tre. Trong đó, ông muốn truyền tải hình ảnh về một đất nước vươn lên mạnh mẽ từ tro tàn chiến tranh, hội nhập, phát triển nhưng vẫn giữ được bản sắc và phẩm chất nhân văn.

“Việt Nam ngày nay đã vươn xa, nhưng không quên cội nguồn. Cái cách mà người dân Bến Tre gìn giữ môi trường, phát triển kinh tế, trân trọng hòa bình… Tất cả khiến tôi vô cùng kính trọng”, ông nói.

Với ông Nayan Chanda, hành trình từ Sài Gòn năm 1975 đến Bến Tre hôm nay không chỉ là một lát cắt lịch sử, mà còn là một minh chứng sống động về sức mạnh hàn gắn của thời gian. Ông đã từng viết rằng chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30-4-1975. Nhưng hôm nay, ông sẽ có thể viết thêm về hòa bình của Việt Nam đã trọn vẹn trong từng nhịp sống của làng quê như Bến Tre…

Giáo sư Nayan Chanda hiện đang giảng dạy tại Đại học Ashoka, Ấn Độ. Ông là nhà sáng lập và là Tổng biên tập của Tạp chí Yale Global Online. Trước khi theo đuổi con đường học thuật, ông từng làm việc tại Sài Gòn trong những năm 1974 - 1975 với tư cách phóng viên của chuyên mục Đông Dương của Tạp chí Kinh tế Viễn Đông - tờ báo có trụ sở ở Hồng Kông (Trung Quốc). Đồng thời, ông còn là cộng tác viên của hãng tin Reuters, chứng kiến những diễn biến chính trị quân sự bất ngờ tại miền Nam Việt Nam.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN