Giới chức Hàn-Mỹ điện đàm về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên

10/09/2019 - 19:58

Trong cuộc điện đàm, hai đặc phái viên Mỹ-Hàn Quốc đã thảo luận về tình hình gần đây trên Bán đảo Triều Tiên và các biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn tại khu vực này.

Tháp làm nguội của cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên trước khi bị phá hủy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tháp làm nguội của cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên trước khi bị phá hủy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10-9-2019, ông Lee Do-hoon, đặc phái viên Hàn Quốc phụ trách các vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên, đã có cuộc điện đàm với đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun về những diễn biến gần đây tại khu vực.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong cuộc điện đàm, hai quan chức đã thảo luận về tình hình gần đây trên Bán đảo Triều Tiên và các biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn cũng như thiết lập nền hòa bình lâu dài tại khu vực này.

Hai nhà ngoại giao cũng nhất trí sẽ sớm gặp nhau để xúc tiến các cuộc tham vấn. Cuộc điện đàm diễn ra sau khi Triều Tiên trước đó cùng ngày đã phóng hai "vật thể chưa xác định" ra vùng biển phía Đông, được cho là một trong những động thái thử nghiệm vũ khí mới của Triều Tiên.

Đây là vụ phóng thứ tám của Triều Tiên trong hơn một tháng qua, và là vụ phóng thứ 10 của nước này trong năm nay.

Vụ phóng diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cho biết Bình Nhưỡng sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Mỹ vào cuối tháng 9.

Mặc dù các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa nhằm nhiều mục đích, trong đó có việc phát triển kỹ thuật và tái đảm bảo về lực lượng quốc phòng, vụ phóng ngày 10-9 nhiều khả năng đã được lựa chọn thời điểm để gửi thông điệp tới Mỹ.

Theo chuyên gia Daniel DePetri thuộc Viện Nghiên cứu những ưu tiên quốc phòng, có trụ sở tại Washington, vụ phóng hai vật thể bay mới nhất của Triều Tiên có thể được xem là tín hiệu ngoại giao mà Bình Nhưỡng muốn phát đi.

Ông DePetris phân tích: "Dù không thể biết chính xác nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang nghĩ gì, song câu trả lời đơn giản nhất có thể là chính xác nhất: Triều Tiên đang chứng minh chuyện gì sẽ xảy ra nếu Mỹ không đưa ra những đề xuất thiết thực trên bàn đàm phán."

Hồi năm ngoái, Triều Tiên tuyên bố sẽ tạm ngừng các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân cũng như các vụ phóng tên lửa tầm xa và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Tất cả những tên lửa Triều Tiên thử nghiệm trong năm nay đều là tầm ngắn, song các nhà phân tích cảnh báo rằng Triều Tiên đã phô diễn những tiến bộ công nghệ đáng kể, và có thể được sử dụng để tránh né những hệ thống phòng thủ tên lửa.

Trong khi đó, Triều Tiên nhấn mạnh họ phát triển vũ khí mới để đối phó với những mối đe dọa quân sự và sức ép đối với an ninh của nước này, trong đó có các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc.

Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đình trệ từ tháng 2 vừa qua, sau khi hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc mà không đạt được thỏa thuận do còn nhiều bất đồng về các biện pháp trừng phạt và tiến trình phi hạt nhân hóa.

Ngày 30-6, hai nhà lãnh đạo đã tiến hành một cuộc gặp bất ngờ tại khu vực biên giới liên Triều, trong đó hai bên nhất trí nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên trong vòng vài tuần sau đó, nhưng đến nay vẫn chưa có cuộc đàm phán nào diễn ra.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN