Đến dự có ông Ngô Hoài Chung - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Lê Duy Khánh - Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Phan Văn Hò - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long cùng đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành trong khu vực. Lãnh đạo tỉnh có ông Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy, ông Trần Ngọc Tam - Phó bí thư Tỉnh ủy và các Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Xứ Dừa - một điểm đến
Du lịch Bến Tre có xuất
phát điểm rất thấp so với các tỉnh và mới bắt đầu khởi động phát triển từ những
năm 2000. Tuy nhiên, hàng năm, lượng khách đến Bến Tre tăng bình quân 13% (trên
1,2 triệu khách/năm), đặc biệt là khách quốc tế đến Bến Tre chiếm trên 43%
trong tổng số khách. Thu nhập từ du lịch tăng trên 22%/năm. Đến nay, Bến Tre có
hơn 72 điểm du lịch, trên 2.000 phòng lưu trú đạt chuẩn. Giá trị tăng thêm từ
hoạt động kinh tế du lịch chiếm 9% trong GRDP khu vực III. Kinh tế du lịch Bến
Tre phát triển chậm nhưng bền vững, đó là một tín hiệu tích cực, đáng được
khích lệ.
Phát biểu tại lễ khai mạc,
ông Nguyễn Hữu Phước - Phó chủ tịch UBND tỉnh nêu: Việc tổ chức Tuần lễ Văn hóa
- Du lịch tỉnh Bến Tre lần thứ II năm 2017 là sự kiện giới thiệu, quảng bá và
nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh, vừa là bước khởi động chương
trình của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du
lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, vừa là bước đệm để tỉnh chuẩn bị tổ chức Lễ
hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2020. Qua sự kiện này, Bến Tre mong muốn được
du khách trong và ngoài nước biết đến các điểm du lịch mới tại Bến Tre và các tỉnh
lân cận trong khu vực, nhằm tìm hiểu về văn hóa, di tích lịch sử văn hóa, du lịch
sinh thái miệt vườn còn giữ được nét nguyên sơ, với không khí trong lành, với
lòng hiếu khách, cùng các dịch vụ du lịch ngày càng đáp ứng được nhu cầu của du
khách.
Tổng Lãnh sự Cuba Bernabé García Validovà lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng dừa Bến Tre. Ảnh: H. Hiệp
Tại buổi lễ khai mạc, đại
diện Ban tổ chức đã tặng hoa và quà cho các nhà tài trợ đã có những đóng góp
tích cực cho việc tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch lần này của tỉnh. Được biết,
các kinh phí hoạt động của Tuần lễ nêu trên từ nguồn vận động xã hội hóa, tổng
kinh phí 1,2 tỷ đồng.
Tạo điểm nhấn từ sản phẩm lưu niệm
Khi nhắc đến Bến Tre là
nhiều người nhớ ngay đến các sản phẩm đặc trưng từ dừa, hàng thủ công mỹ nghệ,
trái cây, gạo sạch, bánh tráng, bánh phồng, cây giống, hoa kiểng, rượu Phú Lễ...
Sản phẩm lưu niệm từ làng nghề được coi là yếu tố thu hút khách du lịch; đánh
giá được sự phát triển và sống còn của hoạt động du lịch của địa phương. Do đó,
nâng cao chất lượng sản phẩm lưu niệm từ các làng nghề có vai trò quan trọng
trong việc phát triển du lịch.
Theo ông Trần Duy
Phương - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khi làng nghề phát triển
sẽ kéo theo sự phát triển các ngành nghề khác như: du lịch, thương mại, dịch vụ,
vận tải, thông tin. Nếu có những giải pháp thích hợp sẽ phát huy được tiềm năng
làng nghề và sẽ đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc
biệt là lĩnh vực du lịch.
Một tiết mục biểu diễn văn nghệ trong lễ khai mạc. Ảnh: A. Nguyệt
Toàn tỉnh hiện có 57
làng nghề, hầu hết có đặc điểm vốn đầu tư không nhiều nhưng thu hồi vốn nhanh,
phù hợp trình độ của chủ hộ. Thời gian qua, các sản phẩm của làng nghề đã góp
phần giải quyết việc làm, giảm nghèo. Tại hội thảo Nâng cao chất lượng sản phẩm
lưu niệm từ làng nghề diễn ra vào chiều 29-8-2017, các diễn giả cũng đã giới
thiệu những kiến thức và những kỹ năng quan trọng giúp các chủ doanh nghiệp, chủ
cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ làng nghề nghiên cứu vận dụng vào điều
kiện thực tế. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng tốt
nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, đồng thời góp phần thu hút khách du lịch
ngày càng nhiều và đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo bà Phạm Thị Hân -
Phó giám đốc Sở Công Thương, Bến Tre có 7 sản phẩm đặc sản: dừa, sản phẩm thủy
sản, trái cây, gạo sạch, bánh tráng - bánh phồng, cây giống - hoa kiểng, rượu
Phú Lễ để phục vụ cho người tiêu dùng nói chung và khách du lịch nói riêng. Để
thương hiệu các sản phẩm đặc sản của tỉnh nổi tiếng trên thị trường không thể
thiếu hoạt động xúc tiến thương mại và giới thiệu quảng bá sản phẩm ra thị trường.
Thời gian qua, đa số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn rất quan tâm
đến công tác xúc tiến thương mại như xây dựng catalogue, website, facebook, xây
dựng các cửa hàng để giới thiệu sản phẩm đã mang lại hiệu quả sản xuất, kinh
doanh rất cao.
Theo ông Ngô Kỹ - Giám
đốc Công ty TNHH DV phát triển thương hiệu, để có được thương hiệu làng nghề, địa
phương phải có sản phẩm của địa phương, dịch vụ văn hóa truyền thống mang tên địa
danh và vùng địa lý tương ứng với sản phẩm hoặc dịch vụ. Ông Trần Minh Trí -
Trung tâm Xúc tiến đầu tư khởi nghiệp tỉnh cũng khẳng định, chỉ có thành lập
doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, hướng đến xây dựng thương hiệu,
chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế và năng động trong hội nhập thì các doanh
nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển ổn định. Vì vậy, muốn phát triển sản xuất,
cần thiết phải thành lập doanh nghiệp được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi về
vốn, thuế… theo quy định.
Việc nâng cao chất lượng
sản phẩm lưu niệm từ làng nghề là một trong những hoạt động tạo ấn tượng và thỏa
mãn sự quan tâm trong lòng khách du lịch. Do đó, đa dạng hóa các loại hình sản
phẩm du lịch và chất lượng sản phẩm lưu niệm sẽ góp phần rất lớn trong việc
thúc đẩy phát triển hoạt động dịch vụ du lịch của địa phương.
Không gian ẩm thực đặc sắc
Quay trở lại chủ đề
chính, Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tỉnh Bến Tre lần thứ II năm 2017 diễn ra nhân
dịp lễ Quốc khánh 2-9 hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một không gian ẩm thực đặc
sắc hương vị xứ Dừa và nhiều cơ hội lựa chọn cho mình, gia đình và bạn bè những
tour du lịch hấp dẫn.
Hội chợ Ẩm thực - Du lịch
- Thương mại sẽ thiên về giới thiệu những món ngon, đặc sản xứ Dừa và một số
món ăn đặc sản tỉnh bạn. Hội chợ có 287 gian hàng, trong đó 37 gian hàng giới
thiệu du lịch và làng nghề, 15 đơn vị tham gia gian hàng ẩm thực, còn lại là
các gian hàng thương mại và bán đồ gỗ. So với Tuần lễ Văn hóa - Du lịch lần thứ
I năm 2013, hội chợ được mở rộng phạm vi ra đến đường Hùng Vương tạo không khí
thoáng mát, rộng rãi hơn. Quy mô của hội chợ cũng nâng tầm khi thu hút được nhiều
tỉnh trong khu vực tham gia giới thiệu sản phẩm du lịch.
Góp mặt vào sân chơi lớn
đậm nét văn hóa ẩm thực, du lịch, hình ảnh huyện Ba Tri được giới thiệu với du
khách qua các điểm đến nổi tiếng của tỉnh là di tích đặc biệt cấp quốc gia, di
tích quốc gia như: Di tích Khu mộ và Đền thờ Nguyễn Đình Chiểu, đình Phú Lễ;
sân chim Vàm Hồ. Gian hàng huyện Thạnh Phú tràn ngập các món đặc sản xứ biển với
giá cả hợp lý, hợp vệ sinh như cua biển tươi ngon hay những món ăn được chế biến
từ đôi tay khéo léo của chị em phụ nữ có món ba khía muối, ba khía trộn khế, trộn
xoài, bánh dừa Giồng Luông, tép rang dừa, gạo sạch.
Dịp này, Công ty du lịch
Bảo Duyên (Mỹ Thạnh An) giảm giá 10% cho tất cả các tour Bến Tre. Trong đó, du
khách ưa chuộng nhất là các tour: khám phá miệt vườn phía Nam TP. Bến Tre, khám
phá vùng đất tứ linh Long - Lân - Qui - Phụng trên sông Tiền, homestay lửa trại
kết hợp sinh hoạt dã ngoại, về làng hoa kiểng và vườn cây ăn trái Chợ Lách.
Ông Lê Văn Dũng - Giám
đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau chủ yếu
phát triển loại hình du lịch sinh thái dựa vào thiên nhiên, biển đảo. Nhằm quảng
bá thế mạnh du lịch địa phương, chúng tôi mang đến cho du khách nhiều sản phẩm
tour tuyến, trong đó đặc biệt là 2 tour chính gồm: TP. Cà Mau đi Mũi Cà Mau
tham quan rừng sinh thái ngập mặn, đây là loại hình du lịch dựa vào cộng đồng
đang rất phát triển; thứ hai là TP. Hồ Chí Minh đi Vườn quốc gia U Minh Hạ, Hòn
Đá Bạc trải nghiệm những chuyến đi rừng ăn mật ong rừng, đặt bẫy thú rừng.
Ông Lê Văn Luông - Giám
đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bến Tre cho biết: “Đến với Tuần lễ Văn
hóa - Du lịch tỉnh Bến Tre lần thứ II năm 2017, du khách có thể thưởng thức những
món ăn ngon của Bến Tre, có cơ hội tìm hiểu và tiếp cận về các sản phẩm du lịch
Bến Tre, đồng bằng sông Cửu Long. Năm nay hội chợ cũng mời một số ca sĩ, nghệ
sĩ nổi tiếng như Trường Giang, Phi Nhung… góp mặt phục vụ khán giả yêu thích
văn nghệ và mua sắm các sản phẩm lưu niệm khi đến vui chơi, giải trí tại Bến
Tre”.
Lần đầu
tiên tổ chức hội thảo sản phẩm du lịch đặc thù
Ngày mai, 30-8-2017, một trong những sự kiện đáng chú ý trong Tuần lễ Văn hóa - Du
lịch tỉnh Bến Tre lần thứ II năm 2017 là hội thảo Xây dựng sản phẩm du lịch đặc
thù tỉnh Bến Tre diễn ra tại Khách sạn Hàm Luông vào lúc 7 giờ 30. Hội thảo
quy tụ khoảng 100 đại biểu, trong đó có 24 đại biểu ngoài tỉnh. Thành phần
tham dự gồm nhà khoa học, nhà nghiên cứu, người làm công tác quản lý và đại
diện các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh, hiện những đại biểu này đã
đóng góp 20 bài tham luận cho buổi hội thảo.
Nội
dung các bài tham luận xoay quanh các sản phẩm du lịch đặc thù được Ban tổ chức
đưa ra như: du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, khai thác di tích văn hóa
- lịch sử, công trình kiến trúc tại Bến Tre; du lịch tâm linh; phát triển du
lịch cộng đồng với mô hình khách nghỉ trong nhà dân gắn với làng nghề; du lịch
biển gắn với hệ sinh thái rừng ngập nước; du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải
trí; du lịch MICE.
Bà Nguyễn
Thị Ngọc Dung - Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
chia sẻ: Có thể nói từ sau khi Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng
đồng bằng sông Cửu Long” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt tháng
1-2015, Bến Tre là một trong những tỉnh đầu tiên tổ chức hội thảo Xây dựng sản
phẩm du lịch đặc thù. Bên cạnh đó, tại hội thảo sẽ ra mắt Ban vận động thành
lập Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre và Câu lạc bộ Hướng dẫn viên du lịch tỉnh Bến
Tre.
T.Thảo |