Giới trẻ ly hôn, văn minh hay đổ vỡ?

02/08/2010 - 08:14

Khi đến tuổi kết hôn, ai cũng mong muốn tìm cho mình một người vợ, người chồng lý tưởng để cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc. Thế nhưng, có nhiều cặp vợ chồng trẻ sau một thời gian hạnh phúc ngắn ngủi đã nhanh chóng đưa nhau ra tòa ly hôn. Khi có ai hỏi lý do tại sao, thì họ thường chép miệng trả lời: “Hôn nhân là mồ chôn tình yêu”. Liệu có phải như vậy không? Đi tìm câu trả lời, chúng tôi đã có dịp tham dự nhiều phiên tòa ly hôn và lắng nghe các bên giãi bày tâm sự.

Những con số buồn

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh (TAND tỉnh), năm 2009, hệ thống tòa án các cấp của tỉnh đã thụ lý 1.708 vụ xin ly hôn, chiếm tỷ lệ 38,12% so với số án dân sự nói chung. Trong đó, tòa án đã giải quyết 1.510 vụ, chiếm 88,4%. Con số này không chỉ dừng lại ở đó, mà ngày càng có chiều hướng gia tăng hơn nữa. Khi mà, chỉ mới 6 tháng đầu năm 2010, tòa án tỉnh tổng kết đã có thêm 1.251 vụ xin ly hôn, giải quyết được 842 vụ, chiếm 67,3%. TAND cấp huyện lúc nào cũng trong tình trạng bận rộn bởi các án ly hôn chiếm trên 50% án dân sự nói chung. Cụ thể, lịch xét xử án dân sự tháng 7-2010 của TAND TP Bến Tre có đến 13 vụ án hôn nhân gia đình trong 22 vụ án dân sự. Án ly hôn nhiều đã buồn nhưng điều đáng buồn hơn nữa là tỷ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ lại chiếm đa số, trong đó tuổi vợ chồng khoảng từ 24-30 tuổi, thời gian chung sống từ 3 đến 7 năm và hầu hết đã có con chung với nhau.

Những cuộc hôn nhân kém bền vững

Người ta “đua nhau” cưới, rồi cũng “đua nhau” ra tòa vì đủ thứ lý do. Nếu sự nhàm chán là mối đe dọa lớn của những cuộc hôn nhân lâu năm thì sĩ diện, lối sống ích kỷ, tính tự ái cao là điềm báo trước cho sự tan vỡ của các đôi vợ chồng trẻ. Có lẽ chính sự ảo tưởng, ngộ nhận về tình yêu và hôn nhân là lý do hàng đầu dẫn đến ly hôn của các đôi vợ chồng son.

Chị N.T.H.D (24 tuổi, trú tại xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú) chủ động nộp đơn đến TAND huyện Thạnh Phú xin ly hôn với anh L.N.L (28 tuổi). Trước tòa, chị giãi bày, anh chị đăng ký kết hôn vào tháng 1-2006. Hôn nhân tự nguyện, được gia đình hai bên tổ chức lễ cưới. Thời gian đầu anh chị sống với nhau rất hạnh phúc, có 2 con chung. Thế nhưng, không biết từ lúc nào chồng chị thay đổi tính tình, trở nên hà khắc với vợ. Ngay cả gia đình bên chồng cũng hùa theo anh mà hiếp đáp, bắt chị phải làm việc quá sức ngay cả khi mang thai. Chị nức nở kể: “Có lúc cùng quẫn quá, tôi đã liều mình tự tử, để mong sớm kết thúc cảnh sống địa ngục này”. Chị may mắn được mọi người phát hiện kịp thời. Khi đã bình tĩnh lại, chị nghĩ chỉ có lối thoát duy nhất là phải ly dị với anh.

Anh N.H.T (23 tuổi, trú tại xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) chủ động nộp đơn đến TAND huyện Bình Đại xin được ly hôn với chị N.T.M.N (26 tuổi, xã Long Định, huyện Bình Đại). Trước tòa, anh T trình bày, anh chị đăng ký kết hôn với nhau vào tháng 9-2007. Thời gian đầu, chung sống rất hạnh phúc, nhưng sau đó do bất đồng quan điểm và nếp sống dẫn đến hai bên không còn hiểu và tin tưởng nhau. Đến tháng 5-2008, hai người đã sống ly thân. Anh T lý giải cho sự chia tay vì: trong thời gian chung sống, vợ anh thường nghe lời của mẹ ruột xúi giục gây khó khăn cho cuộc sống của anh, mẹ vợ không cho anh ở nhà. Thế là từ đó, hai bên phát sinh mâu thuẫn, quyết định “đường ai nấy đi”.

Một trường hợp khác cũng hết sức đặc biệt, anh L.V.P (29 tuổi, xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri) làm đám cưới nhưng không có đăng ký kết hôn với chị L.T.H (32 tuổi, ngụ cùng xã). Cuộc sống chung gần chục năm trời rất hạnh phúc, có hai con chung. Về sau nảy sinh nhiều mâu thuẫn do anh P tính tình nóng nảy, chửi bới vợ, làm cho vợ chồng hai bên nội ngoại xích mích lẫn nhau. Chị xác định tình cảm vợ chồng không thể trở lại như xưa nữa, nên quyết định từ ly thân chuyển sang ly dị.

Hậu ly hôn

Con trẻ là nạn nhân đầu tiên và gánh chịu hậu quả nặng nề nhất sau việc chia tay của bố mẹ. Hậu quả là con cái thiếu đi tình thương, sự chăm sóc và giáo dục của cha mẹ. Các em rất dễ bị trầm cảm hoặc sa vào tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, cờ bạc, rượu chè… thậm chí dẫn đến con đường phạm tội. Năm 2008, TAND Thành phố xét xử 22 trường hợp, năm 2009 xét xử 15 trường hợp phạm tội ở độ tuổi vị thành niên.

Các em không chỉ phạm tội ít nghiêm trọng mà còn phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng như mua bán trái phép chất ma túy, cướp, cướp giật, cố ý gây thương tích, thậm chí là giết người…

Không chỉ con trẻ, mà chính ba mẹ của chúng cũng không thể đạt được sự hạnh phúc trọn vẹn sau khi ly hôn với người vợ-người chồng, điều mà họ tưởng rằng sẽ có được sau ly hôn. Không một người đàn ông, đàn bà nào lại mong muốn mình có một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Ai cũng mơ ước có được một gia đình hạnh phúc, sau một ngày đi làm về vợ chồng con cái quây quần bên mâm cơm gia đình đầm ấm. Thất bại trong hôn nhân tạo nên một rào cản tâm lý rất lớn, ảnh hưởng nặng nề đến việc tìm lại hạnh phúc lần sau của người trong cuộc. Áp lực từ dư luận xã hội đối với người đã từng ly hôn cũng không thể không tránh khỏi. Sau ly hôn, bình tĩnh lại, không biết những người trong cuộc sẽ thấy gì, được gì, mất gì từ đó. Ly hôn trong giới trẻ, văn minh hay đổ vỡ, chỉ ai đã từng trải qua mới có thể trả lời được. Cách tốt nhất để tránh những tổn thương, mất mát không đáng có trong hôn nhân, mỗi một người chúng ta nên đi học về hôn nhân trước khi kết hôn bằng việc tham gia các lớp dạy kỹ năng sống, tâm sinh lý người bạn đời… Để từ đó, chúng ta sẽ có được hành trang để bước vào cuộc sống vợ chồng, để đạt được “trăm năm hạnh phúc, răng long đầu bạc”.

Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN