Giỏi việc nước, đảm việc nhà có quá sức với phụ nữ?

16/03/2012 - 08:38

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. Theo chị Trần Thị Liên - Phó Ban Tuyên giáo nữ công, Liên đoàn Lao động tỉnh, tiêu chí cơ bản để xét khen thưởng phong trào này là phụ nữ phải thi đua lao động, công tác giỏi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với năng suất, chất lượng, hiệu quả, đồng thời tích cực học tập nâng cao trình độ, rèn luyện sức khỏe.

Tích cực tham gia các hoạt động công đoàn, quan tâm lợi ích xã hội; có những sáng tạo trong chỉ đạo triển khai phong trào thu hút đông đảo cán bộ đoàn viên tham gia, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Đối với “đảm việc nhà”, điều kiện phải có là tổ chức tốt cuộc sống gia đình, nuôi dạy con khỏe, ngoan, học khá giỏi, thành đạt và xây dựng gia đình theo tiêu chí thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Nếu xét từng tiêu chí thì rõ ràng, để đạt trọn vẹn là điều không dễ. Có câu rằng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Phụ nữ thời nay đã bước ra khỏi xó bếp vườn rau mà vươn ra ngoài xã hội, cũng có việc làm, lo toan việc tài chính, đối nội, đối ngoại chẳng khác gì nam giới. Đó là biểu hiện của sự bình đẳng trong công việc. Tuy nhiên, do đặc thù yếu tố giới nên để “giỏi việc nước”, chị em phải vượt qua rất nhiều khó khăn, trở lực. Với chị Châu Thị Phỉ (Sở Giao thông vận tải) học tập, nâng cao trình độ là yếu tố quan trọng giúp chị tiếp cận và giải quyết tốt công việc được giao. Từ một kỹ sư xây dựng đến làm công tác công đoàn ngành, chị vượt qua trở lực, tham gia lớp cao cấp chính trị, vừa nghiên cứu vừa kết hợp để rèn luyện kỹ năng nói trước tập thể. “Sắp xếp công việc một cách khoa học, giải quyết vấn đề có tình có lý, đặt lợi ích của tập thể, người lao động lên trên nên tạo được sự đồng thuận trong đơn vị. Hơn nữa, quá trình xử lý công việc, sự bình tĩnh và biết phân tích nguyên nhân đã giúp vượt qua khó khăn, cho tôi một tinh thần thoải mái khi làm việc” - chị Phỉ chia sẻ.

Nhẹ nhàng, gần gũi là lợi thế của phụ nữ, nhưng cũng có nhiều chị em mạnh mẽ, quyết liệt, thậm chí rất quyết đoán trong công việc. Nhiều nữ doanh nhân Bến Tre gắn với thương hiệu đặc sản đã để lại ấn tượng mạnh không phải chỉ riêng với quê hương xứ dừa mà lan xa khắp cả nước. Đó là doanh nhân Lê Thị Cẩm Vân - nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre, chị Phạm Thị Tỏ với thương hiệu kẹo dừa Bến Tre; chị Phạm Thị Vân - chủ trại nuôi cá ở Bình Đại… Hay những chị em dù với công việc bình dị nhưng tự tin, tự hào về công việc của mình, cùng tham gia các phong trào, sinh hoạt quần chúng. Chị Huỳnh Ngọc Lang (Công ty TNHH 1 thành viên Công trình đô thị Bến Tre) cho biết, công ty có 64 nữ. Nhiều chị em trong số này là thành viên của đội vệ sinh, phải làm việc rất vất vả, nhất là vào ban đêm. Dù vậy, chị em cũng tranh thủ thời gian tham gia các phong trào thể dục - thể thao, văn nghệ như: bóng chuyền, sút cầu môn, karaoke… “Tự tin giúp chị em vượt lên chính mình, giúp công việc được thuận lợi và trôi chảy hơn” - chị Lang nhận xét.

Dẫu đã cùng “xây nhà” với đàn ông, nhưng yếu tố “xây tổ ấm” vẫn quằn nặng trên đôi vai của phụ nữ. Đây đó vẫn còn tồn tại suy nghĩ phụ nữ đương nhiên là phải lo việc nhà, chịu trách nhiệm chăm sóc con cái. Nhưng, nếu “đảm việc nhà” chỉ dành riêng cho giới nữ thì tư tưởng bình đẳng giới chưa thật sự đã thông. “Vắng đàn bà quạnh bếp”, nhưng cách “làm ấm” của phụ nữ hôm nay đã có nhiều thay đổi. Người phụ nữ vừa đảm việc nước, vừa hoàn thành tốt được việc nhà, yếu tố quan trọng là phải đủ tự tin và đủ khéo để kéo cả gia đình cùng vào cuộc theo sự phân công hợp lý, để mọi người biết yêu thương, giúp đỡ và tôn trọng lẫn nhau. Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh - phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, thời gian qua, Hội luôn hưởng ứng tích cực và vận động chị em cùng tham gia phong trào này. Điểm nhấn mà công tác Hội hướng đến là làm thế nào để chị em tự tin, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và vị trí của phụ nữ. Đó là sự chia sẻ, sự đồng thuận của đồng nghiệp nam nơi làm việc và của người cha, người chồng trong mỗi gia đình. Mặt khác, để nhẹ phần “đảm việc nhà” yếu tố kinh tế góp phần rất quan trọng. Phụ nữ hiện đại không còn đủ thời gian để giặt đồ, đi chợ mỗi ngày, nấu cơm bằng củi…, mà tất cả cần có sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại như máy giặt, tủ lạnh, bếp gas… Đó là trợ lực để người phụ nữ khéo sắp xếp, hoàn thành tốt vai trò của mình.

“Giỏi việc nước, đảm việc nhà” nếu không đủ khéo sẽ rất dễ tạo nên áp lực và đôi khi người phụ nữ không còn thời gian để cảm nhận chất lượng cuộc sống, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình. Song, với phụ nữ đảm đang, biết sắp xếp công việc một cách khoa học thì các tiêu chí của phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” không phải là điều gì quá lớn lao, vượt khỏi tầm với của chị em. Nói như chị Kiều Oanh: Có đôi khi tôi cũng cảm thấy mình như quá sức. Nhưng, nếu làm việc mà mọi thứ đều vừa sức mình thì xã hội làm sao phát triển. Không bằng lòng với hiện tại, có sự phấn đấu, hướng đến điều tốt đẹp hơn thì xã hội mới tiến bộ.

Theo quy định của Liên đoàn Lao động tỉnh, chỉ tiêu của ngành đưa ra cho các công đoàn trực thuộc là công đoàn cấp cơ sở số nữ đạt tiêu chuẩn phải từ 80% trở lên so với tổng số nữ cán bộ, công nhân, công chức, viên chức; cấp huyện, ngành là 1,5% so với số nữ; cấp tỉnh là 20% trong tổng số nữ đạt chuẩn cấp huyện. Năm nay, toàn tỉnh có 23.380 chị đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cấp cơ sở; cấp huyện, ngành có 348 chị và cấp tỉnh có 90 chị.

 

Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN