|
Các cơ sở sản xuất than thiêu kết xây dựng hệ thống xử lý khói chỉ để đối phó. Ảnh: Trần Quốc |
Đến nay, tình hình môi trường trên địa bàn Giồng Trôm có những chuyển biến tích cực. Nhận thức về môi trường trong nhân dân được nâng lên, mức độ gia tăng ô nhiễm, sự suy thoái về môi trường từng bước được hạn chế và cải thiện. Tuy vậy, trên địa bàn huyện vẫn còn một số điểm nóng về ô nhiễm môi trường như sản xuất than thiêu kết, rác thải, chăn nuôi heo…chưa được xử lý triệt để.
Ông Lê Văn Cường, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Giồng Trôm cho biết: “Hiện nay, lượng rác thải ở các chợ và khu dân cư ngày càng tăng, huyện chưa có bãi rác tập trung nên việc thu gom, xử lý còn nhiều hạn chế. Tình trạng vứt rác bừa bãi ra sông, rạch đang diễn ra ở nhiều nơi. Chỉ tính riêng ở khu vực chợ, khu đông dân cư, hằng ngày thải ra khoảng 13 tấn rác. Trước tình hình này, huyện đã hỗ trợ cho các xã Lương Quới, Hưng Nhượng, Tân Hào, Thạnh Phú Đông và thị trấn Giồng Trôm có bãi rác tạm. Trên thực tế, các xã có tổ chức thu gom rác, ngoài 5 địa bàn trên còn có thêm Mỹ Thạnh, Sơn Phú, Châu Hòa. Hai xã tiếp giáp với thị xã Bến Tre là Mỹ Thạnh và Sơn Phú hợp đồng với Công ty Công trình đô thị tỉnh nên việc xử lý rác đạt hiệu quả cao. Các xã còn lại chỉ thu gom vận chuyển đến bãi rác tạm thời do thuê mướn đất hoặc các hộ dân có nhu cầu san lấp mặt bằng nên hiệu quả xử lý thấp, nguy cơ gây ô nhiễm rất lớn.
Từng bước khắc phục việc ô nhiễm môi trường từ rác thải thông qua chương trình của Ban Dân vận Huyện ủy từ công tác “dân vận khéo” thực hiện 3 công tác trọng tâm của Tỉnh ủy, toàn huyện bước đầu đã vận động được khoảng 40.000 hộ dân thực hiện sử dụng 2 sọt rác để phân loại rác, khoảng 30.000 hộ có hố xử lý rác thải.
Về ô nhiễm do khí thải, qua khảo sát, nguồn khí ô nhiễm chủ yếu từ các cơ sở sản xuất than thiêu kết tập trung ở các xã Lương Phú, Lương Hòa, Phong Nẫm, Thạnh Phú Đông, Hưng Phong. Những địa bàn này có 40 cơ sở sản xuất (khoảng 150 lò đốt than), trong đó nhiều nhất là xã Thạnh Phú Đông (70 lò đốt). Trong 40 cơ sở nêu trên, có 22 chủ cơ sở đã xây dựng hệ thống xử lý khí thải, làm giảm đáng kể việc thải khí độc hại trực tiếp ra môi trường. Kiên quyết trong xử lý, cuối tháng 4-2009, huyện đã tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở sản xuất than thiêu kết chưa xây dựng hệ thống xử lý khí thải như đã cam kết.
Cũng theo ông Lê Văn Cường, tình hình chăn nuôi heo trên địa bàn đang phát triển mạnh ở các xã Tân Hào, Long Mỹ, Tân Lợi Thạnh, Hưng Phong, phần lớn các cơ sở chăn nuôi chưa xử lý tốt chất thải. Toàn huyện có 2.596 cơ sở chăn nuôi trong đó có 94 cơ sở nuôi trên 50 heo, 1.029 cơ sở nuôi từ 20 đến dưới 50 heo, số còn lại là chăn nuôi nhỏ lẻ theo qui mô gia đình. Trong số đó, chỉ có khoảng 1.000 cơ sở có đầu tư xử lý chất thải.
Gần đây, nghề nuôi cá da trơn xuất khẩu phát triển mạnh, với 25 chủ dự án nuôi trên địa bàn các xã Sơn Phú, Hưng Phong, Phước Long, Thạnh Phú Đông, Hưng Lễ (ven sông Hàm Luông) và Phong Nẫm, Phong Mỹ, Châu Bình (ven sông Ba Lai), đa số các dự án nuôi đều có cam kết bảo vệ môi trường, nhưng nhìn chung chưa thực hiện đúng theo nội dung đã đăng ký. Kết quả từ một số lần kiểm tra gần đây cho thấy, một số cơ sở chưa xử lý chất thải tốt còn phát sinh mùi hôi (xác cá chết) ra khu vực xung quanh, không có cơ sở nào đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra sông.
Các con sông, rạch còn phải quằn mình gánh chịu nguồn nước thải chưa qua xử lý từ các cơ sở sản xuất thạch dừa, cơm dừa nạo sấy, làm bún, mạch nha… Có thể thấy cụ thể hơn tình hình này qua con số phát hiện và xử lý của ngành Tài nguyên-Môi trường: xử lý vi phạm 172 cơ sở, trong đó xử lý vi phạm hành chính 17 trường hợp chăn nuôi heo ở Hưng Phong, Tân Lợi Thạnh, Sơn Phú, Long Mỹ; giết mổ heo ở Thị trấn và Hưng Nhượng; 4 trường hợp sản xuất thạch dừa ở xã Hưng Phong… Huyện cũng đã di dời 16 trường hợp giết mổ, chăn nuôi heo chưa đảm bảo về môi trường theo quy định.
Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để, theo ông Nguyễn Văn Quới, Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá: “Do chúng ta chưa tích cực trong tổ chức kiểm tra, chưa có một biện pháp cứng rắn để buộc các cơ sở sản xuất phải đảm bảo môi trường. Việc tuyên truyền về ô nhiễm do rác thải sinh hoạt cũng chưa sâu, chưa đủ để bà con thấy được trách nhiệm của mình”. Phó Chủ tịch UBND huyện cũng đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực xử lý môi trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi. Đồng thời, Phòng Tài nguyên - Môi trường nên có biện pháp hỗ trợ về kỹ thuật để các cơ sở chăn nuôi heo xây dựng hầm hoặc túi biogas, các cơ sở nuôi cá da trơn xuất khẩu có ao chứa bùn xifon. Riêng việc xây dựng bãi rác tập trung, huyện đã chọn được địa điểm tại xã Tân Thanh và sẽ khẩn trương xây dựng trong thời gian tới.