Nhiều nhiệm kỳ qua, huyện Giồng Trôm đã quan tâm đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn. Việc đầu tư xây dựng Cụm CN-TTCN Phong Nẫm với diện tích 10,3ha (thuộc ấp 2 và ấp 4 xã Phong Nẫm) vào năm 2005, theo Quyết định số 879 của UBND tỉnh, có thể xem là dấu mốc quan trọng. Đến năm 2007, Cụm CN-TTCN này tiếp nhận nhà đầu tư đầu tiên là Công ty TNHH Ươm mầm xanh (2,4ha), đến giữa năm 2011, Công ty Cổ phần sản xuất chế biến chỉ xơ dừa 25/8 đầu tư xây dựng nhà máy (7,9ha) thì toàn bộ diện tích 10,3ha của Cụm CN-TTCN đã được bàn giao hết cho nhà đầu tư.
Một cơ sở may mặc (Giồng Trôm) giải quyết hàng trăm lao động tại
địa phương. Ảnh: T.L
Được UBND tỉnh, các sở, ngành, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh hỗ trợ và sự chủ động của lãnh đạo huyện trong mời gọi đầu tư nên toàn bộ diện tích của Cụm CN-TTCN Phong Nẫm đã được các nhà đầu tư thuê xây dựng nhà máy, đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Văn Quới - Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá đó là những thuận lợi trong triển khai Dự án Cụm CN-TTCN này. Trong từng bước, từng giai đoạn triển khai thực hiện dự án, huyện đã rất cẩn trọng. Từ việc quy hoạch đến giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư đều có lộ trình thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Chính vì thế đã không xảy ra tranh chấp, khiếu nại của công dân làm cản trở, kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Để tạo được quỹ đất sạch cho nhà đầu tư thì phải di dời nhiều hộ dân. Vì thế, Ban Bồi thường thiệt hại - Giải phóng mặt bằng huyện Giồng Trôm phối hợp với UBND xã Phong Nẫm tổ chức họp dân (23 hộ), công bố phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án Cụm CN-TTCN của UBND huyện. Các hộ bị giải tỏa nếu có nhu cầu tái định cư sẽ được bố trí vào khu tái định cư tại ấp 4, xã Phong Mỹ. Phương án của huyện được đa số người dân đồng thuận.
Triển khai thực hiện giai đoạn 1 thuận lợi, hiện Giồng Trôm đang triển khai thực hiện giai đoạn 2 - mở rộng quy hoạch thêm 31ha Dự án Cụm CN-TTCN này. Ông Nguyễn Văn Quới cho biết, được Huyện ủy cho chủ trương, UBND huyện đã lập quy hoạch thông qua Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh, trình và đang chờ quyết định phê duyệt của UBND tỉnh. Về thu hút nhà đầu tư vào giai đoạn 2 Cụm CN-TTCN, theo ông Quới, rất khả thi. Trong năm 2011, huyện đã tiếp 10 nhà đầu tư đến tìm hiểu về điều kiện đầu tư, nhưng huyện không có quỹ đất để giới thiệu. Triển khai giai đoạn 2 Cụm CN-TTCN Phong Nẫm, khả năng chỉ trong năm 2012, toàn bộ diện tích sẽ có nhà đầu tư thuê. Cụ thể như Công ty May Long Vũ (Long An), Công ty Cổ phần sản xuất chế biến chỉ xơ dừa 25/8, Công ty Cổ phần xây dựng Bến Tre và một nhà đầu tư của Trung Quốc đã đăng ký đầu tư xây dựng nhà máy, với tổng diện tích khoảng 20ha. Diện tích còn lại của giai đoạn 2 chỉ khoảng 11ha, ông Quới tin rằng, các điều kiện về hạ tầng như điện, nước đảm bảo, giao thông đường thủy, đường bộ thuận tiện thì không khó trong việc mời gọi đầu tư.
Ngoài những thuận lợi và cơ hội kêu gọi đầu tư vào Cụm CN-TTCN Phong Nẫm như đã nêu trên, ông Trương Duy Hải - Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm phân tích sâu hơn về vị trí địa lý của khu vực này. Cụm CN-TTCN Phong Nẫm nằm cạnh thành phố Bến Tre nhưng nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi cao hơn khi xây dựng nhà máy nơi đây (vì thuộc địa bàn huyện); khu vực này lại nằm cặp sông, thuận tiện giao thông đường thủy. Đặc biệt hơn, theo quy hoạch, Dự án đường Bắc - Nam và cầu Chẹt Sậy 2 của tỉnh sẽ đi ngang qua khu vực này, tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ thuận tiện từ Ba Tri qua Giồng Trôm, thành phố Bến Tre đến Châu Thành và ra ngoài tỉnh.
Chính những thuận lợi trong mời gọi và thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp như thế nên ngay trong giai đoạn này, Giồng Trôm đã xin chủ trương và được UBND tỉnh đưa Dự án Cụm công nghiệp Phong Nẫm 2 với diện tích 50ha vào quy hoạch các cụm công nghiệp của tỉnh. Khi cả hai giai đoạn Cụm CN- TTCN Phong Nẫm hiện nay được lấp đầy thì huyện triển khai ngay các bước xây dựng một cụm công nghiệp mới nằm cạnh đó không xa.
Đánh giá về hiệu quả mang lại từ việc hình thành và phát triển những cụm CN-TTCN trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Quới phấn khởi: Khi các nhà đầu tư xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết lao động tại địa phương, tạo điều kiện ổn định thu nhập cho một bộ phận dân cư; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, giải quyết tốt hơn các vấn đề về an sinh xã hội… Hiện nay, tuy chỉ có nhà máy của Công ty TNHH Ươm mầm xanh hoạt động nhưng đã giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động tại các xã lân cận. Khi nhà máy của Công ty Cổ phần sản xuất chế biến chỉ xơ dừa 25/8 vào hoạt động thì lượng lao động được giải quyết việc làm là khoảng 400 người. Về giá trị sản xuất trong cụm CN-TTCN, mỗi năm ước đạt trên 190 tỷ đồng, chiếm 74% tổng giá trị sản xuất của ngành CN-TTCN huyện, ông Quới cho biết thêm.
Nhìn về tương lai, CN-TTCN huyện Giồng Trôm có thể đạt giá trị sản xuất cao hơn. Dự án Khu công nghiệp Phước Long đã được phê duyệt (200ha), Cụm CN-TTCN Thạnh Phú Đông đang quy hoạch (14ha), khi thu hút được nhà đầu tư sẽ tạo điều kiện phát triển mới cho các xã cặp tỉnh lộ 887.