Giồng Trôm tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về môi trường

09/04/2025 - 05:39

BDK - UBND huyện Giồng Trôm yêu cầu, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai và bảo vệ môi trường (BVMT) đến cộng đồng, người dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật. Thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và môi trường trên địa bàn quản lý; không để phát sinh mới, kịp thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Ngành chức năng tỉnh, huyện khảo sát tình hình môi trường tại huyện Giồng Trôm.

Trên địa bàn huyện có 5 làng nghề gồm bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, kềm kéo Mỹ Thạnh, đan giỏ cọng dừa Phước Long, đan giỏ cọng dừa Hưng Phong. Riêng làng nghề đan giỏ cọng dừa Phước Long, hiện nay đang thực hiện quy trình giải thể do không còn duy trì hoạt động hiệu quả. Có 3/5 làng nghề có phương án BVMT được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên địa bàn huyện có 1 Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Phong Nẫm, theo quy hoạch diện tích toàn cụm là 71,9722ha và giai đoạn 2 mở rộng đã có 5 dự án. Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Phong Nẫm chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hiện tại, các dự án hoạt động trong cụm tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Theo kế hoạch năm 2025, tỉnh bố trí nguồn vốn 500 triệu đồng để thực hiện các bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng để đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung của cụm.

Khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 110 tấn/ngày; tổng số hộ đăng ký dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện là 5.179/54.013 hộ, đạt 9,59%, tỷ lệ này thấp là do đa số hộ dân thuộc vùng nông thôn xa khu dân cư tập trung, không có tuyến thu gom rác, khối lượng rác thu gom, vận chuyển về xử lý tại bãi chôn lấp rác thải tập trung của huyện khoảng 20 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị chiếm khoảng 91,25%, khu vực nông thôn khoảng 80,34%; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại nguồn thấp khoảng 31,13%.

Công tác quản lý các cơ sở xử lý chất thải rắn được tăng cường. Bãi chôn lấp rác tập trung của huyện tại xã Tân Thanh đầu tư năm 2010 diện tích 6.621m2, để chôn lấp rác thải từ các xã, thị trấn vận chuyển về, hiện nay đã lấp đầy, không còn hoạt động. Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện phối hợp cùng UBND xã Tân Thanh thường xuyên theo dõi tình hình môi trường của bãi rác nhằm kịp thời khắc phục sự cố môi trường xảy ra.

Bãi chôn lấp rác tập trung của huyện tại xã Châu Bình hoạt động từ tháng 7-2021 với diện tích 1,24ha, tiếp nhận rác thải các xã, thị trấn với khối lượng rác thải sinh hoạt đưa về trung bình khoảng 20 tấn/ngày; định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học phun xịt khử mùi hôi tại bãi rác; đồng thời, các đơn vị tư nhân đang thực hiện dịch vụ thu gom rác thuê phương tiện cào rác xuống hố, không để rác tồn đọng ảnh hưởng môi trường.

Hiện nay, huyện đang thực hiện xã hội hóa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải, do đơn vị tư nhân thỏa thuận đơn giá với hộ dân thu gom trên địa bàn 18/21 xã, thị trấn vận chuyển rác về bãi chôn lấp rác thải tập trung của huyện tại xã Châu Bình để chôn lấp. Đối với khu vực nông thôn không có dịch vụ thu gom thì người dân tự xử lý tại hộ gia đình bằng nhiều hình thức ủ phân, chôn, đốt, bán phế liệu và chất thải rắn được các hộ dân bố trí 2 sọt rác để phân loại. Bên cạnh đó, một số hộ dân thực hiện mô hình thùng ủ rác hữu cơ để xử lý rác thải có hiệu quả.

Sắp tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đất đai và BVMT nhằm nâng cao nhận thức người dân. Tiếp tục nhân rộng các mô hình BVMT có hiệu quả. Quản lý chặt chẽ công tác thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện.

“Công tác quản lý môi trường được các cấp, các ngành, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn quan tâm triển khai thực hiện cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật được tiến hành thường xuyên, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh. Nhiều mô hình xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường được triển khai nhân rộng; công tác quản lý nhà nước về môi trường ở các xã, thị trấn được tăng cường và có những bước chuyển biến tích cực”.

(Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Lê Văn Tường)

Bài, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN