Giồng Trôm tập trung 2 “mũi nhọn” phát triển nông nghiệp

27/07/2018 - 07:31

Thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh; Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh, huyện Giồng Trôm đã xác định 2 “mũi nhọn” trong tổ chức sản xuất đó là cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình địa phương và phát triển sản xuất theo hướng liên kết tiêu thụ thông qua các mô hình kinh tế hợp tác, thực hiện chuỗi giá trị hàng hóa. Đến nay, nông nghiệp huyện được đánh giá là cơ bản chuyển dịch đúng hướng, hình thành và phát triển tập trung một số cây trồng, vật nuôi chủ lực.

Huyện Giồng Trôm hình thành chuỗi giá trị dừa uống nước.

Huyện Giồng Trôm hình thành chuỗi giá trị dừa uống nước.

Chuyển dịch đúng hướng

So với các địa phương khác trong tỉnh, Giồng Trôm là vùng nước lợ, không thể hiện rõ thế mạnh đặc thù của vùng để phát triển sản xuất nông nghiệp và chịu tác động khá nặng nề do biến đổi khí hậu trong thời gian qua.

Bà Đinh Thị Thanh Nhanh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, huyện đã tập trung các giải pháp quan trọng trong sản xuất nông nghiệp theo 2 “mũi nhọn” đã xác định. Trước hết, huyện đã thực hiện rà soát điều chỉnh lại quy hoạch phù hợp tình hình thực tế địa phương; đồng thời, quản lý, định hướng người dân sản xuất theo đúng quy hoạch; chuỗi các hoạt động nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp và hướng người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận, đáp ứng nhu cầu thị trường như VietGAP, hữu cơ. Huyện từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng. Hiện nay, hệ thống thủy lợi chưa khép kín, huyện vận động người dân đắp các đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt cục bộ.

Theo đó, cây dừa được phát triển mạnh, phủ khắp trên toàn huyện, với diện tích đạt trên 17,5 ngàn héc-ta, xếp vị trí thứ nhì trong toàn tỉnh (sau huyện Mỏ Cày Nam). Sau cây dừa là các loại cây có múi như chanh, quýt đường, bưởi da xanh, cam. Một số loại cây trồng kém hiệu quả như lúa, mía đã chuyển đổi khá mạnh sang dừa, cây ăn trái và cây màu. Điển hình, cây lúa hiện còn 2,2 ngàn héc-ta, giảm 1,8 ngàn héc-ta so với năm 2008. Cây mía hiện còn 58ha, giảm trên 2,4 ngàn héc-ta so với năm 2008. Vật nuôi chủ lực của huyện là heo, bò, dê và gia cầm.

Bà Đinh Thị Thanh Nhanh cho biết thêm, một mặt, trên cơ sở sản xuất theo định hướng, quy hoạch vùng, mặt khác, do tác động biến đổi khí hậu và tình hình thị trường nên người dân đã mạnh dạn chuyển đổi, tổ chức lại sản xuất. Ví dụ như cây dừa tập trung tại Châu Bình, Hưng Lễ, Phước Long, Sơn Phú, Thạnh Phú Đông. Cây có múi tập trung tại Lương Phú, Lương Hòa, Bình Hòa, Lương Quới, Long Mỹ và thị trấn. Cây lúa chỉ còn nhiều tại Phong Mỹ, Phong Nẫm.

Liên kết hình thành chuỗi giá trị

Bước đầu huyện đã hình thành mối liên kết tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến đã góp phần tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện hiện có 64 tổ hợp tác và 8 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp; trong đó có 3 HTX được thành lập theo Quyết định số 445 của Thủ tướng Chính phủ là HTX nông nghiệp Châu Bình, HTX bưởi da xanh Giồng Trôm, HTX cây có múi Lương Hòa.

Trong 8 chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh theo Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy, huyện đã cơ bản hình thành được 3 chuỗi dừa, bưởi và con heo. Đối với chuỗi giá trị sản phẩm dừa, huyện có 10 tổ hợp tác dừa hoạt động theo Nghị định số 151, tại các xã Lương Hòa, Lương Quới, Bình Thành, Hưng Lễ, Sơn Phú, Phong Mỹ, Phong Nẫm... Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre đã gắn kết với nông dân triển khai chương trình dừa hữu cơ (1.013ha/1.307 hộ). Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới cũng ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa hữu cơ (17,22ha/22 hộ). Công ty TNHH Trái cây Mekong ký hợp đồng tiêu thụ dừa xiêm xanh tại các xã Phong Mỹ, Phong Nẫm, Lương Hòa, Mỹ Thạnh.

Về chuỗi giá trị sản phẩm bưởi da xanh, hiện có 22 tổ hợp tác theo Nghị định số 151 và 4 HTX. Hầu hết HTX bưởi da xanh đã liên kết với doanh nghiệp, trong đó HTX bưởi da xanh Giồng Trôm hoạt động ổn định, đã liên kết với nhiều doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm. Đặc biệt, do đặc thù vùng nước lợ, huyện cũng có quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng. Vì vậy, huyện cũng đang bước đầu hình thành chuỗi giá trị đối với con tôm.

Qua các chương trình khuyến nông, khuyến công, huyện tập trung đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới vào sản xuất như sử dụng giống xác nhận, ứng dụng “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất lúa; sản xuất theo hướng GAP, hướng hữu cơ; nhân nuôi ong ký sinh phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa. Đồng thời, đầu tư giống cây, con mới theo hướng năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao, nâng cao chất lượng đàn bò, nạc hóa đàn heo, chăn nuôi gia cầm theo quy trình khép kín, an toàn sinh học... Huyện cũng đã triển khai các nghị quyết mới liên quan đến phát triển HTX do HĐND tỉnh khóa IX vừa ban hành.

Với những nỗ lực vươn lên không ngừng, Đảng bộ và nhân dân huyện Giồng Trôm đã gặt hái được nhiều kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới. Trong 24 xã đã công nhận nông thôn mới trong toàn tỉnh, huyện Giồng Trôm có 4 xã được công nhận là Châu Bình, Lương Quới, Lương Phú và Bình Thành. Đây cũng là minh chứng đánh dấu bước phát triển đáng khen ngợi của huyện. “Huyện đang chuẩn bị các bước để tiến hành công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu đối với Châu Bình” - bà Nhanh cho biết thêm.

Trên nền tảng xác định kinh tế nông nghiệp là chủ lực, huyện đã chủ động vượt lên những khó khăn về điều kiện sinh thái vùng, biến đổi khí hậu để tạo nên hình thái sản xuất nông nghiệp khá rõ nét như hiện nay. Đời sống, thu nhập người dân đến diện mạo nông thôn của huyện đã thay đổi rất nhanh.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN