Giồng Trôm xử lý khói bụi từ lò than thiêu kết

22/09/2008 - 13:26

Lò than thiêu kết ở Giồng Trôm. Ảnh: N.K

Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất nước, trên 40.000ha. Những năm gần đây, dừa tăng giá cùng với phương cách trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa và một nguồn thu khác từ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hay những sản phẩm công nghiệp như than thiêu kết, chỉ xơ dừa… nên cây dừa ngày càng có chỗ đứng vững chắc hơn.

Có thể nói, dừa là loại cây trồng mà từ thân, lá, hoa, trái… đều được tận dụng triệt để. Tuy nhiên, mặt trái của những sản phẩm từ dừa cũng đã gây không ít nhức nhối với người dân địa phương. Khói bụi từ các lò than thiêu kết, ô nhiễm từ mụn dừa thả trôi sông đã gây bức xúc trong dân.

Giồng Trôm hiện có 65 cơ sở đốt than thiêu kết từ gáo dừa, tập trung ở các xã: Lương Hòa, Lương Phú, Phong Nẫm, Thạnh Phú Đông... Môi trường không khí bị ô nhiễm nặng. Ống khói tại các lò than cao khoảng 10 mét, nên khói gáo dừa có dầu không thể bay cao được. Bụi bay vào nhà, quanh quẩn trong vườn, để lại nhiều hậu quả. Theo đánh giá của các nhà khoa học, các chất ô nhiễm từ lò đốt than gáo dừa tồn lưu trong môi trường không khí từ 3 tháng đến 3 năm ở hai dạng phổ biến là hơi khí và phân tử bụi (bụi lơ lửng, bụi nặng, aerosol khí, lỏng, rắn), gây tác hại rất lớn đối với sức khỏe con người. Nâng độ cao ống khói có tác dụng đẩy bụi khói đen đi xa hơn, loãng ra, giảm tác hại, cũng có một số cơ sở áp dụng nhưng chưa giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm không khí. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để xử lý khói thải này. Và công trình nghiên cứu xử lý khói thải lò than gáo dừa thiêu kết của tác giả Nguyễn Thị Bé Năm (Sở Xây dựng Bến Tre) ra đời năm 2007 là lối mở quan trọng. Bằng nguồn kinh phí sự nghiệp xây dựng môi trường của huyện, Phòng Tài nguyên - Môi trường Giồng Trôm đã đầu tư, áp dụng thử nghiệm tại lò than thiêu kết của ông Trần Huyền Khương (xã Lương Phú). Theo mô hình này, khí thải được đưa từ các lò hầm than qua ống dẫn khí xuống hồ xử lý. Hồ xử lý có thể tích 4x2x1,5(m), chứa nước vôi có mực nước nằm sát phía dưới lỗ thoát khí. Những tia nước vôi Ca(OH)2 thoát ra từ những lỗ nhỏ li ti trên ống nước đặt vòng theo chu vi của hồ và khí thải thoát ra từ lỗ thoát khí. Sau khi qua hệ thống phun sương, khí thải được dẫn vào khối vôi ẩm ướt ở dưới chân ống thoát khí cao khoảng 10m đặt ở cuối hồ và thoát ra bên ngoài. Khí sau khi xử lý, thoát ra bên ngoài rất ít, gần như không có cảm giác khó chịu như khi chưa xử lý. Ông Châu Thanh Trung – Phó Phòng Tài nguyên - Môi trường Giồng Trôm cho biết qua thời gian thử nghiệm tại nhà ông Khương, số liệu đo lượng khí độc thoát ra từ ống khói đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Điều đó có nghĩa là công trình đạt kết quả và có thể nhân rộng.

Hiện nay, tất cả 65 hộ có lò than thiêu kết ở Giồng Trôm đều đăng ký áp dụng mô hình xử lý này. Ông Thanh Trung nói: “Chúng tôi vừa mới kiểm tra ở Thạnh Phú Đông, có 6 hộ đang xây dựng lò xử lý. Tuy nhiên, hệ thống xử lý mới này được người dân cải tiến phần hồ xử lý được đưa lên khỏi miệng lò để đường đi của khói được thuận hơn”.

Như vậy, mô hình xử lý khói thải lò than gáo dừa thiêu kết đang diễn tiến rất khả quan. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này, đòi hỏi cơ sở sản xuất phải bỏ ra số tiền khoảng 15 triệu đồng. Nhiều chủ cơ sở kinh doanh kiến nghị được hỗ trợ vay vốn ngân hàng. Mặt khác, cần áp dụng đồng bộ trong toàn tỉnh. Bởi theo họ, nếu chỉ buộc riêng các doanh nghiệp Giồng Trôm áp dụng thì họ khó cạnh tranh giá đầu ra. Thiết nghĩ, nếu có sự trợ lực từ nhiều phía, thì vấn đề ô nhiễm môi trường từ khói bụi than thiêu kết sẽ được hạn chế tối đa, góp phần giảm ô nhiễm môi trường ở vùng kinh doanh nguyên liệu dừa.

Bảo Lam

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN