Trung tâm Dịch vụ việc làm được tỉnh giao nhiệm vụ đầu mối giúp người lao động tiếp xúc doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Kết quả bước đầu
Theo số liệu NLĐĐLV có thời hạn ở nước ngoài trong 3 năm liên tiếp (từ 2016 - 2018), mỗi năm Bến Tre có 600 - 1.000 NLĐĐLV có thời hạn ở nước ngoài, luôn đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh đưa ra. Ngày 6-12-2018, Tỉnh ủy có Chỉ thị số 22-CT/TU đẩy mạnh công tác đưa NLĐĐLV có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng ban hành.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu, các cấp ủy tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công tác đưa NLĐĐLV có thời hạn ở nước ngoài theo tinh thần “Đi học nghề, về làm chủ, NLĐĐLV có thời hạn ở nước ngoài là bắt đầu khởi nghiệp”; thông tin, tuyên truyền sâu rộng chính sách, pháp luật đến người lao động (NLĐ) về công tác này; lựa chọn doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐĐLV ở nước ngoài có uy tín, có đơn đặt hàng tốt, có mức chi phí, thời gian đào tạo hợp lý, có trách nhiệm cao trong xử lý rủi ro.
Năm 2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1071 “Đẩy mạnh công tác đưa NLĐĐLV có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng”. Theo đó, tỉnh phấn đấu mỗi năm đưa NLĐĐLV ở nước ngoài theo hợp đồng từ 1.000 - 1.500 lao động. Trong đó, đối với cấp huyện, phấn đấu thực hiện theo chỉ tiêu được giao; đối với cấp xã, phường, thị trấn phấn đấu mỗi năm ít nhất từ 6 - 8 lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng các thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của NLĐ để sau khi hoàn thành hợp đồng về nước tham gia công tác khởi nghiệp.
Sở LĐTB&XH cũng ban hành các quy trình, hướng dẫn thực hiện công tác đưa NLĐĐLV có thời hạn ở nước ngoài. Bên cạnh các chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho đối tượng được vay vốn đi lao động nước ngoài như: hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng, bộ đội xuất ngũ, thanh niên khởi nghiệp, UBND tỉnh còn tạo điều kiện mở rộng đối tượng vay hưởng lãi suất ưu đãi khi vận động các ngân hàng thương mại (gồm 3 ngân hàng: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bến Tre, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Bến Tre và Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Đồng Khởi) hỗ trợ NLĐ từ nguồn lợi nhuận của ngân hàng tại Quyết định số 1888 ngày 30-8-2019. Theo đó, NLĐ được vay với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường là 0,7%/năm, với số tiền tối đa 200 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp.
Tuy nhiên, về Quyết định số 1888 ngày 30-8-2019, phía ngân hàng cho biết, ngân hàng không nhận sổ đỏ, sổ nhà của người đi vay với hình thức thế chấp tài sản mà nói đúng hơn là ngân hàng sẽ “giữ dùm” để hạn chế rủi ro cho ngân hàng, tránh trường hợp người vay đem tài sản đó đi thế chấp.
Kết quả cho thấy, công tác đưa NLĐĐLV có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh ngày càng chuyển biến tích cực. Số lượng NLĐ tham gia lao động ở nước ngoài tăng hơn 500 người trong năm 2019 (1.517 người) so với năm 2018 (1.008 người).
Gỡ “nút thắt” vốn vay
Đầu năm 2020, Sở LĐTB&XH chủ trì buổi gặp gỡ, họp mặt khoảng 20 doanh nghiệp trong cả nước (có ký kết - kết nối với tỉnh) trong lĩnh vực đưa NLĐĐLV có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, cùng một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh và công chức, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn cho NLĐ nhằm xác định khó khăn trong công tác này trong thời gian qua.
Theo báo cáo năm 2019 của Sở LĐTB&XH cho thấy, huyện Ba Tri và Giồng Trôm dẫn đầu cả tỉnh về số NLĐĐLV có thời hạn ở nước ngoài (cùng 381 người). Số NLĐ hết thời hạn và về nước 401 người (số liệu báo cáo chưa đầy đủ của huyện).
Theo nhận định của Sở LĐTB&XH, NLĐ phối hợp trực tiếp với nhiều công ty qua giới thiệu của các ban, ngành, đoàn thể, Phòng LĐTB&XH các huyện, thành phố, hoặc các xã, phường, thị trấn, chứ chưa tập trung vào một đầu mối nên không thống kê được số lượng đã liên kết với từng công ty. Một số địa phương chưa quản lý được số NLĐ tham gia và sau khi về nước. Một số ít địa phương còn phối hợp với các doanh nghiệp không có trong danh sách liên kết với tỉnh do Sở LĐTB&XH phê duyệt.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa NLĐĐLV ở nước ngoài bày tỏ sự thống nhất, sang năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre sẽ là đầu mối để NLĐ tiếp xúc với doanh nghiệp trong công tác đưa NLĐĐLV có thời hạn ở nước ngoài.
Về thủ tục vay vốn, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh nêu ý kiến: Thủ tục vay của ngân hàng gồm giấy đề nghị vay vốn, hợp đồng giữa công ty và NLĐ, hộ chiếu công chứng, thủ tục bay đầy đủ, ngân hàng sẽ giải ngân. Trung tâm Dịch vụ việc làm cần có một trang web để ngân hàng gửi hết thông tin về các vấn đề liên quan đến vay vốn.
Bên cạnh đó, đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia Đề án sinh kế có nhu cầu vay đến 100 triệu đồng để đi làm việc nước ngoài thì Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ cho vay tối đa 70% giá trị tài sản thế chấp. Điều này rất khó vì nhiều hộ nghèo có sở hữu diện tích đất rất nhỏ.
Việc lắng nghe những vướng mắc, khó khăn từ phía cơ quan quản lý, các phòng, ban chức năng, doanh nghiệp và các ngân hàng đã làm sáng tỏ nhiều nội dung còn khúc mắc. Từ đó, ngành chức năng có biện pháp tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy hoạt động đưa NLĐ đi làm việc nước ngoài thuận lợi hơn trong năm 2020 và những năm sau.
Theo Sở LĐTB&XH, dự kiến năm 2020 sẽ đưa 1.200 NLĐĐLV ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh, Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND tỉnh, năm 2020, Bến Tre còn 102 người đã nộp hồ sơ có nhu cầu vay vốn (số hồ sơ tồn năm 2019), tương đương nhu cầu là 5 tỷ đồng, cuối năm 2019, ngân sách tỉnh đã chuyển sang 4,5 tỷ đồng, vẫn còn thiếu khoảng 500 triệu đồng. Năm 2020, nếu nhu cầu vay vốn phát sinh và tiếp tục tăng, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh không có khả năng đáp ứng. |
Bài, ảnh: Thạch Thảo