Gương thanh niên khởi nghiệp sáng tạo

21/04/2017 - 07:00

Ngày hội “Thanh niên Bến Tre khởi nghiệp” lần thứ I năm 2017 sẽ diễn ra vào ngày 22-4-2017, do Tỉnh Đoàn tổ chức, tại công viên Đồng Khởi. Tại đây sẽ có khoảng 30 mô hình, dự án khởi nghiệp của đoàn viên, hội viên, thanh niên, sinh viên và học sinh được giới thiệu. Dịp này, phóng viên Báo Đồng Khởi đã có cuộc gặp gỡ với một số gương mặt khởi nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hóa mỹ phẩm Ngọc Hiệp (Giồng Trôm): “Sản xuất mỹ phẩm từ dừa vì… thích làm đẹp”

Theo chia sẻ, chị Ngọc Hiệp đam mê ngành mỹ phẩm từ rất lâu. Trước khi khởi nghiệp với các loại mỹ phẩm từ dừa (xà bông dừa, son môi dừa…), chị đã làm tiếp thị mỹ phẩm cho một số thương hiệu nổi tiếng và tham gia lớp đào tạo nghề làm mỹ phẩm ở TP. Hồ Chí Minh. “Trong xu thế làm đẹp nhưng phải an toàn, tôi nghĩ đến việc tự sản xuất mỹ phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên. Từ đó, tôi có ý tưởng dùng nguyên liệu dừa để làm mỹ phẩm, trước tiên là xà bông dừa và son môi. Tôi đã mất nhiều thời gian trải nghiệm và tiền của cho việc nghiên cứu này” - chị Ngọc Hiệp nói. Không ít lần người thân gợi ý “đi làm mướn ăn lương ổn định hơn”, nhưng chị vẫn quyết tâm theo đuổi ý tưởng của mình. Cũng có đôi lúc không tránh được nản chí nhưng chị mau chóng xốc lại tinh thần, lại tiếp tục lao vào nghiên cứu để sản phẩm đạt chất lượng, hấp dẫn hơn.


“Bước đầu, các công đoạn đều thực hiện thủ công. Tôi cũng không nghĩ làm để bán mà chủ yếu sử dụng cho cá nhân. Sau đó, qua tìm hiểu thị trường, sản phẩm từ thiên nhiên được người tiêu dùng ưa chuộng, có thể khẳng định tôi đã đi đúng hướng. Sản phẩm của tôi hiện đã giới thiệu đến người tiêu dùng để tham khảo ý kiến, đóng góp. Tín hiệu vui là hầu hết họ đều đón nhận và gợi ý được sử dụng sản phẩm lâu dài. Hiện, khả năng của công ty có thể sản xuất 1.000 cây son môi và 1.000 viên xà bông dừa mỗi tháng. Tôi đang từng bước hoàn chỉnh bao bì, mẫu mã, thương hiệu, công bố sản phẩm, mã vạch để chính thức đưa sản phẩm vào thị trường. Hướng tới sẽ nâng quy mô sản xuất và tìm thêm lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất của công ty” - chị Nguyễn Thị Ngọc Hiệp phấn khởi.

Anh Nguyễn Lộc Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Việt Tâm (Ba Tri) và tâm huyết sản xuất rau hữu cơ

“Vốn là con nhà nông, đam mê với làm nông nghiệp, dù đi đâu, làm gì, tôi cũng nghĩ đến việc phải trồng được rau sạch” - anh Nguyễn Lộc Tùng bày tỏ. Vì lẽ ấy, anh quyết định chia tay với nghề làm tài xế để quay về với nông dân. Anh phải mất hơn 5 năm (từ 2007 - 2011) để tìm hiểu thị trường, kỹ thuật chăm sóc rau an toàn. Đến năm 2013, anh chính thức đưa sản phẩm ra thị trường; năm 2014, anh thành lập doanh nghiệp. Thời gian này, buổi sáng anh ra đồng cùng với nông dân, tối về lái xe chuyển hàng đến cung cấp cho các điểm kinh doanh ở TP. Hồ Chí Minh để kịp bán sản phẩm tươi ngon cho người tiêu dùng vào sáng hôm sau. Nông dân có bao nhiêu rau sạch, anh Tùng thu mua hết.

Nhìn lại chặng đường đã qua, anh chia sẻ: Lúc đầu, tôi nghĩ công việc sẽ đơn giản nhưng khi khởi nghiệp thì mới thấy có nhiều việc không như mình nghĩ, như vướng thủ tục, quy trình kiểm tra, đăng ký, cạnh tranh… Ban đầu cũng bị lỗ nặng (2 triệu đồng/ngày), càng về sau thì tình hình mới được cải thiện.

Sau 4 năm chính thức khởi nghiệp, dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn do mở rộng quy mô trong điều kiện tài chính hạn hẹp, thiếu nhân sự nhưng anh vẫn tâm huyết với công việc đã lựa chọn. “Tôi vẫn tâm huyết làm vì mong muốn “người nông dân phải sống được với nghề nông”. Đây cũng là lý do khiến tôi không luyến tiếc khi quyết định từ chối các gợi ý của một số tập đoàn lớn muốn hợp đồng với tôi về kỹ thuật sản xuất” - anh Tùng tiết lộ.

Công ty TNHH Việt Tâm hiện có 2 cửa hàng chính và 10 đại lý tại TP. Hồ Chí Minh. Anh Tùng cho biết: Công ty rất cần đầu tư, mở rộng hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Tôi đang phát triển và duy trì bền vững 3 nhóm sản xuất rau hữu cơ, với 20 hộ, diện tích 3ha. Công ty đang đầu tư thêm 1ha xây dựng mô hình ươm giống và trình diễn kỹ thuật sản xuất rau hữu cơ để nhiều nông dân đến học tập kinh nghiệm và nhân rộng.

Chị Đinh Kim Ngân - người làm chủ dự án “Tạo hình lá dừa kết nối phát triển du lịch sinh thái Bến Tre” ở TP. Bến Tre: Mô hình mang tính đặc trưng của tỉnh

Chị Đinh Kim Ngân cho biết ý tưởng trên hình thành từ khi Bến Tre tổ chức Lễ hội Dừa lần thứ IV, năm 2015. Chị nhớ lại: “Với nhu cầu tạo hình lá dừa để phục vụ du khách tham gia lễ hội, bấy giờ, tôi được giao nhiệm vụ phải kiếm người có khả năng tạo hình đồ vật, con vật, bông hoa các loại từ lá dừa. Vì vậy, với “mấy món” sẵn có, tôi đi học thêm từ nhiều người rồi về hướng dẫn lại cho nhóm cùng làm”.


Lễ hội Dừa kết thúc, Ngân bàn việc duy trì nhóm để hoạt động thường xuyên và phát triển thành mô hình kinh doanh - dịch vụ theo nhu cầu gắn với du lịch sinh thái địa phương. Ý nghĩa của việc làm này còn giúp quảng bá hình ảnh đặc trưng của quê dừa, lưu giữ nét đẹp riêng của Bến Tre trong lòng du khách. Vậy là nhóm duy trì hoạt động cho đến nay. Không chỉ có dịch vụ tạo hình, kết hoa, nhóm còn phục vụ trình diễn kỹ thuật cho các điểm du lịch sinh thái, điểm dừng chân, các tour tuyến… và xây dựng cổng cưới bằng các chất liệu từ thân dừa, lá dừa, hoa dừa…

Ngân khoe: Bước đầu đã có nhiều điểm du lịch sinh thái, các cơ quan, doanh nghiệp biết đến mô hình và đặt hàng. Mặc dù hiện nay đơn hàng chưa nhiều lắm nhưng nhóm của Ngân rất phấn khởi và hy vọng dịch vụ này sẽ phát triển tốt. Tới đây, nhóm dự định sẽ đào tạo nghề cho người nghèo, người khuyết tật để tạo thêm việc làm, cải thiện cuộc sống cho người dân và mở rộng thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Vấn đề khó hiện nay là hầu hết thành viên của nhóm đều đang làm việc tại các cơ quan nhà nước nên có rất ít thời gian để đầu tư thực hiện dự án khởi nghiệp mới. Nhóm cần thêm đội ngũ vừa có cùng sở thích, vừa có thời gian tập trung cho phát triển như tìm kiếm thị trường, gắn kết và đảm bảo phục vụ thường xuyên, mang tính chất thường nhật cho nhóm.

Thạc sĩ Phạm Văn Luân - Trưởng nhóm Sáng tạo trẻ, Trường Cao đẳng Bến Tre cho biết, qua tiếp cận với các mô hình, các dự án cho thấy, các bạn có sản phẩm tốt nhưng cần củng cố, phát triển ý tưởng, từ đó xây dựng dự án khả thi hơn (Nguyễn Thị Ngọc Hiệp và Đinh Kim Ngân hiện là thành viên nhóm Sáng tạo trẻ). Thời gian qua, nhóm Sáng tạo trẻ đã tổ chức đào tạo, tập huấn và hướng dẫn cách trình bày ý tưởng, quảng bá sản phẩm, kết nối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Song song đó, nhóm hoàn thiện quy trình sản xuất để đảm bảo sản phẩm đủ điều kiện ra thị trường. Thời gian tới, các dự án cần nâng quy mô sản xuất, với sản lượng lớn, sản phẩm đạt chuẩn và đặc biệt là gắn với loại hình du lịch sinh thái.

Bài, ảnh: C.Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích
  • Rocy.vn Mỹ phẩm, TPCN chính hãng