Chiến tranh đi qua, có biết bao người lính đã tham gia chiến đấu giành lại độc lập và tự do cho dân tộc. Có người đã hy sinh, có người lành lặn, có người trở về đầy thương tật nhưng khi về với đời thường, nghị lực của những “Người lính Cụ Hồ” đã không chùn bước trước khó khăn... Họ đã tự mình vượt khó vươn lên tô điểm cho đời thêm tươi đẹp.
Thương binh “tàn nhưng không phế”…
Đó là ý chí và nghị lực của thương binh (hạng 2/4) Phan Văn Long (sinh năm 1964) ở ấp Thành Long - xã Thành Thới A (Mỏ Cày Nam).
Sinh ra trong cảnh đất nước chiến tranh nên anh Long sớm ý thức được việc phải tham gia đấu tranh giải phóng quê hương bảo vệ Tổ quốc. Năm 22 tuổi, anh Long tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Trong một lần đi trinh sát trên chiến trường, chẳng may anh đạp phải mìn nổ trúng làm mất đi một chân trái và nhiều vết thương trên cơ thể. Đồng đội đã đưa anh về chăm sóc, sau gần 5 tháng dưỡng thương do vết thương nặng, không thể phục vụ lâu dài trong quân đội, anh xuất ngũ với tỷ lệ thương tật 61%. Năm 1987, khi vết thương lành lặn, anh lại trở về quê cũ xây dựng gia đình và lập nghiệp trên mảnh đất cồn lầy lội, heo hút. Mọi sự bắt đầu từ cuộc sống tật nguyền với muôn vàn khó khăn tưởng chừng như không đứng vững được. Thế nhưng, với bản chất “Người lính Cụ Hồ”, anh Long đã không đầu hàng số phận. Thương binh tàn nhưng không phế, anh đã tự “chữa thương” cho mình bằng một cái chân giả bằng cây quao khô, để lội bùn cho đỡ lún và đi lại được dễ dàng hơn. Từ đó, anh bắt đầu tập làm quen với công việc ruộng đồng. Với mảnh vườn chưa đầy 1.000m2, anh đã cải tạo trồng lúa, trồng khoai rồi trồng dừa, anh đã tập cuốc khoai trên giồng và cấy lúa dưới mương, dần dần rồi cũng quen. Vợ anh, chị Huỳnh Thị Vũ, từ ngày sinh hai đứa con, sức khỏe của chị có phần suy giảm. Chị bị bệnh tim và cao huyết áp, không thể làm được việc nặng. Từ đó, cuộc sống của gia đình càng trở nên túng thiếu hơn, anh Long vừa lo tiền chữa trị bệnh cho vợ, vừa lo cho con nhỏ học hành. Anh Long chia sẻ: “Gia đình túng thiếu, nhưng không vì thế mà tôi buông xuôi bởi xác định mình là trụ cột trong gia đình”.

Nghị lực vượt khó của thương binh - cựu chiến binh Phan Văn Long.
Đã hơn 20 năm nay, mỗi ngày của anh Long bắt đầu từ sáng sớm đi làm mướn ở một cơ sở ghe. Công việc của anh là cạo chai với khoản thu nhập từ 50-60 ngàn đồng. Không phút nghỉ ngơi, anh làm việc tất bật đến chiều tối, tranh thủ nghỉ trưa, anh về nhà cắt cỏ cho bò ăn. Nhờ lo chu toàn cho 2 con ăn học, đứa con lớn của anh đã tốt nghiệp cấp 3, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ trở về và đang học nghề lái xe. Đứa con thứ hai của anh hiện tại đang học lớp 9 Trường THCS Thành Thới A, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Chủ một cơ sở sản xuất giỏ cọng dừa
Cũng như bao người lính khác, trở về với đời thường, từ hai bàn tay trắng, anh thương binh Nguyễn Hoàng Ninh, ở ấp Phú Lợi Hạ, xã An Định (Mỏ Cày Nam) đã quyết tâm vượt khó vươn lên để làm giàu. Năm 1977, khi đang còn học cấp ba, anh Ninh đã tình nguyện tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam. Ba năm trong quân ngũ, anh Ninh bị thương ba lần. Đến năm 1979 do vết thương hành hạ đau nhức, anh được phục viên, xuất ngũ với tỷ lệ thương tật 41%. Hiện anh là thương binh hạng ớ. Về lại quê hương, đến năm 1980, anh lập gia đình và có 3 người con. Vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, vợ chồng anh phải vất vả đi làm mướn khắp nơi. Từ ý chí vượt khó, sau nhiều năm vợ chồng anh lên tỉnh Đồng Tháp, Long An cắt lúa mướn, kiếm tiền lo cho con và cuộc sống gia đình. Thấy làm mướn cũng không khá nổi, anh quay về quê cũ nung nấu ý chí vươn lên làm giàu.

Cơ sở đan giỏ cọng dừa của anh Nguyễn Hoàng Ninh đã tạo việc làm
cho nhiều lao động ở địa phương.
Anh Ninh cho biết, trong một chuyến đi Giồng Trôm, anh biết đến nghề đan giỏ cọng lá dừa. Thấy nghề này nhẹ nhàng, nguyên liệu sẵn có ở địa phương, lại ít vốn đầu tư, mọi việc đều làm bằng thủ công nên rất phù hợp với lao động nông thôn. Từ đó anh quyết định sang học nghề đan giỏ cọng lá dừa, nhờ sự khéo từ đôi tay của mình, chỉ sau một thời gian ngắn anh đã có thể tự mình đan được tất cả các loại sản phẩm. Ban đầu, anh hướng dẫn cho gia đình cùng làm, rồi bà con lối xóm chung quanh, dần dần anh đã phát triển rộng hơn, sản phẩm làm ra được nhiều, việc tìm đầu ra thuận lợi. Trên cơ sở đó, anh mạnh dạn vay vốn, mở cơ sở sản xuất giỏ cọng dừa thu hút nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. Với ý chí và phẩm chất người lính đã được rèn luyện trong quân đội, lòng kiên định và ý chí quyết tâm vượt qua thử thách, khó khăn, anh luôn cố gắng, phấn đấu trở thành người thương binh, cựu chiến binh gương mẫu. Nhiều năm qua, không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho gia đình, cơ sở đan giỏ cọng dừa của anh Ninh đã tạo việc làm cho gần 50 lao động nhàn rỗi ở địa phương. Bình quân hàng tháng, mỗi nhân công có thu nhập từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng. Sản phẩm làm ra thu hút nhiều nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán.
Ông Huỳnh Văn Út - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Định cho biết, cùng với các hoạt động sản xuất, thương binh Nguyễn Hoàng Ninh còn tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, đóng góp xây dựng quỹ Hội, hỗ trợ cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động ở địa phương. Sự nỗ lực, vươn lên của anh Ninh đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.