Hài cốt liệt sĩ Lê Trung Kiên được về với đất mẹ

10/11/2015 - 18:41

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thắp hương tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ Lê Trung Kiên.

Sáng 9-11-2015, Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban liên lạc Cựu thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh cùng thân nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), liệt sĩ Lê Trung Kiên đã long trọng tổ chức lễ cải táng, đưa hài cốt của ông về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bến Tre. Ông Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh đến dự.

Ông Trần Văn Mãnh - Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP giải phóng Miền Nam, Trưởng Ban liên lạc “2012 - Nguyễn Văn Tư”, cho biết: Ban liên lạc đã tổ chức 8 lần (từ năm 1998 đến 2008) mới tìm kiếm được chính xác nơi chôn cất ông Lê Trung Kiên; sau đó, phải mất thêm gần 8 năm mới có thể hoàn thành các thủ tục, hồ sơ pháp lý khác, để đưa hài cốt Lê Trung Kiên về khu vực mộ dành cho các anh hùng trong Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.

“Rất khó khăn, vì trong trận chiến oanh liệt đó, có đến 3 đồng chí hy sinh (1 trung đội trưởng, 1 trung đội phó và anh Kiên), sau đó giặc lại càn quét dữ dội. Chúng tôi đành chôn cất 3 đồng chí trong rừng, dưới trảng dầu ở Xa Mát nghìn trùng. Hòa bình lập lại, trong 6 lần đầu tìm kiếm, có sự hỗ trợ tích cực của Bộ đội Biên phòng địa phương nhưng chỉ xác định được khu vực chôn khi xưa. Mọi thứ đã thay đổi quá nhiều, ngày xưa là rừng dầu gió, trảng bàng, nay toàn rừng cao su bạt ngàn và ngay cả tên xã là Tân Khai cũng đã đổi thành Tân Lập. Cái khó nữa là đường biên dành cho xe chạy mới có sau này đã góp phần làm cảnh quan thay đổi. Mọi thứ tưởng chừng đã rơi vào vô vọng” - ông Mãnh nhớ lại.

Bằng tình yêu thương đồng chí, đồng đội, Ban liên lạc đã không bỏ cuộc. Tình cờ trong lần thứ 7, Ban liên lạc đã gặp được 2 ngôi mộ người Chăm, rồi lần theo đó tìm được chính xác nơi chôn cất Lê Trung Kiên và 2 đồng đội. “Tôi nhớ lại khi chôn cất 3 đồng đội xong thì phát hiện gần đó có 2 bia mộ người Chăm; lần theo hướng và cự ly xác định, 3 người được chôn gần bên suối, cạnh kho đạn. Chúng tôi đã lần dò ra được chính xác, thật là mừng” - ông Mãnh kể.

Suốt buổi lễ cải táng, cụ Trần Thị Vững (88 tuổi, hiện ngụ xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm) là mẹ của liệt sĩ Lê Trung Kiên, chỉ di ảnh mà trên đầu còn quấn băng thun màu trắng (băng vết thương) của con trai mà không nói được nửa lời, phút chốc bà lấy khăn lau nước mắt. Khi tiễn hài cốt con trai mình đến huyệt, trong khi tay run run cầm nắm đất rắc lên quan tài, cụ Vững thì thào: “Mẹ tự hào vì con! Về đến quê nhà rồi đó, yên nghỉ nghe con trai”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung - Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bến Tre, xúc động nói: “16 tuổi, cái tuổi mà nếu ở thời của chúng ta, là lứa tuổi còn hồn nhiên ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng cũng với lứa tuổi ấy, Anh hùng LLVTND, liệt sĩ Lê Trung Kiên đã anh dũng tham gia bộ đội và ra chiến trường. Anh đã dũng cảm chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mang lại cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do cho chúng ta. Tuổi trẻ Bến Tre xin đời đời nhớ ơn!”

Lê Trung Kiên tên thật là Lê Văn Đực, sinh năm 1949, tại xã Tường Đa, huyện Châu Thành. Ông sớm mồ côi cha, 2 chị em ông sống xa mẹ, nương nhờ vào bà nội. Năm 16 tuổi, ông gia nhập Đội TNXP mang phiên hiệu “2012 - Nguyễn Văn Tư” do Đoàn Thanh niên tỉnh Bến Tre phát động.

Trong 4 năm chiến đấu, ông đã tham gia tổng cộng 156 trận đánh lớn nhỏ, như chống càn, tập kích; cùng đồng đội đào hàng chục công sự, bắc hàng chục chiếc cầu, đích thân diệt 6 tên xâm lược Mỹ và hơn 100 binh sĩ ngụy, khiêng hơn 100 chiến thương...

Ngày 28-5-1970, ông đã chiến đấu hết mình để bảo vệ thành công kho vũ khí chiến lược và kho lương thực của quân ta, dùng để phục vụ chiến trường Xa Mát, tỉnh Tây Ninh (thuộc ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh ngày nay). Ông đã hy sinh trong khi một tay cầm chặt thủ pháo, cánh tay kia đã bị thương và đôi chân teo quắp lại do bị trúng đạn trước đó 1 năm. Đối diện với xác ông là xác chiếc xe tăng M113 và hơn 30 xác địch nằm ngổn ngang trên trận địa. Sự hy sinh của ông đã trở thành tấm gương “Quên mình phục vụ - anh dũng hy sinh - lập công vẻ vang” cho Tổng đội TNXP giải phóng Miền Nam.

Sinh thời, ông được Quân đội 3 lần phong tặng Huy hiệu Dũng sĩ giết giặc, rất nhiều danh hiệu nổi bật khác dành cho một quân nhân. Sau khi hy sinh, ông được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND.

Bài, ảnh: Mã Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích