|
Các doanh nghiệp giới thiệu với khách hàng các sản phẩm từ dừa. Ảnh: H.Hiệp |
Qui hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt; ngành công thương công bố và tổ chức triển khai thực hiện đến các huyện, thành phố.
Qua đó, ngành nhấn mạnh việc tập trung phát triển công nghiệp là động lực chính trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, thực hiện công nghiệp hóa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Sau 2 năm triển khai, bước đầu có sự chuyển biến rõ nét nhưng đồng thời cũng còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, cần tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ. Qua kết quả qui hoạch cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) giai đoạn 2011-2013 tăng bình quân 23,21%/năm (qui hoạch 24%). Trong đó, doanh nghiệp trong nước tăng bình quân 11,09%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng bình quân 72,79%/năm. Tỷ trọng GDP công nghiệp tăng từ 15,02% (năm 2010) lên 16,8% (năm 2012). Một số sản phẩm chủ yếu như: thức ăn thủy sản tăng bình quân 29%, bột cá tăng 27%, may mặc tăng 19%. Giai đoạn 2011-2013 có một số sản phẩm mới được doanh nghiệp đầu tư đã ổn định, sản lượng ngày càng tăng như: sữa dừa (tăng 90%), than hoạt tính (tăng 120%), bộ dây điện ô-tô (tăng 82%). Số lượng cơ sở, doanh nghiệp tuy chỉ tăng 0,28% nhưng lao động tăng bình quân 16,44%/năm, trong đó trong khu công nghiệp (KCN) từ 7.095 lao động (năm 2010) lên 19.565 lao động (năm 2013).
Việc phát triển các KCN, cụm công nghiệp (CCN) cũng có bước chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh hiện có 14 CCN, với tổng diện tích 329ha. Có 2 CCN đã được thành lập là CCN Phong Nẫm (Giồng Trôm), Thị trấn - An Đức (Ba Tri). Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã hỗ trợ thực hiện CCN Phú Hưng (TP. Bến Tre), An Hóa (Châu Thành), An Nhơn (Thạnh Phú), Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc).
Toàn tỉnh cũng đã hình thành 7 KCN, với tổng diện tích 1.408ha. Hai năm qua, tỉnh cũng đã qui hoạch chi tiết 4 KCN: An Hiệp mở rộng, Phước Long, Giao Hòa, Thanh Tân, với diện tích 725ha. KCN Phú Thuận đang xin chủ trương lập qui hoạch. KCN Thành Thới A đã có chủ trương giao Tổng Công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng lập dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp xen khu dân cư (nhưng đang tạm dừng). KCN Giao Long (giai đoạn I), đã hoàn thành và đưa vào khai thác; giai đoạn II đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. KCN An Hiệp đã đầu tư cơ sở hạ tầng đạt 80% kế hoạch, đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đồng thời, tỉnh cũng đã triển khai các dự án phục vụ phát triển công nghiệp, như: Khu nhà ở công nhân và tái định cư KCN Giao Long, dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải 2 và hệ thống thoát nước thải KCN Giao Long, lập qui hoạch khu tái định cư và nhà ở công nhân phục vụ KCN Giao Hòa, Phước Long, Thanh Tân, An Hiệp.
Điều đáng quan tâm là việc thu hút doanh nghiệp vào các KCN, CCN ngày càng tăng. KCN An Hiệp, Giao Long hiện có 33 dự án thứ cấp đầu tư còn hiệu lực; trong đó, đã đi vào hoạt động 20 dự án, đang xây dựng 4 dự án, 9 dự án đang làm thủ tục (do cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7.188,78 tỷ đồng). Giá trị sản xuất CN-TTCN tại các KCN tăng lên đáng kể, từ 1.028 tỷ đồng (năm 2010) lên 3.366 tỷ đồng (năm 2013). Tổng kim ngạch xuất khẩu 66,08 triệu USD (năm 2010) tăng lên 130,257 triệu USD (năm 2013). Nộp ngân sách Nhà nước 2,238 tỷ đồng (năm 2010) tăng lên 47,710 tỷ đồng (năm 2012).
Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến chưa ổn định, hầu hết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều có qui mô nhỏ, phát triển tự phát. Một số ngành CN-TTCN có tiềm năng nhưng phát triển chậm, do chưa thu hút được đầu tư. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp còn nhiều bất cập, thiếu tập trung. Chưa tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn để thu hút đầu tư. Các KCN tỷ lệ lấp đầy diện tích có tăng, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại thấp, góp phần tăng tỷ trọng GDP công nghiệp chưa cao, nộp ngân sách không đáng kể.