Buổi sáng, ông Tư đang loay hoay tỉa mấy cây kiểng thì nghe tiếng gọi: “Ông Tư ơi… ông Tư…”. Nhìn ra cổng, ông thấy thằng Tèo, cháu nội của người hàng xóm. “Có gì không cháu?”, ông Tư hỏi. Tèo nhanh miệng: “Dạ… con nghe nói chỗ làm thạch dừa của ông Tấn bị mấy ông môi trường tới rồi xử phạt gì đó.
Con cho ông hay để tránh, khỏi bị xử phạt”. Ông Tư hỏi lại: “Bây nói chắc
hôn vậy?”.“Dạ, chắc cú trăm phần trăm”.
Thằng Tèo nói xong rồi đi. Ông Tư nhìn theo bóng của nó cho tới khi khuất hẳn.
Hai tháng trước, cơ sở sản xuất thạch dừa của ông đã bị đoàn kiểm tra huyện lập
biên bản vi phạm vì xả nước thải gây ô nhiễm môi trường.
Ông Tư vừa gọi điện cho ông Tấn là người cũng chung nghề
làm thạch dừa. Theo lời ông Tấn, hôm qua, có mấy người tới cơ sở sản xuất của
ông, cho rằng ông đã vi phạm và đòi xử phạt nặng. Để cho êm chuyện, buộc lòng
ông Tấn phải chi bồi dưỡng hết 5 triệu đồng. Cơ sở sản xuất của ông Tư tuy
không lớn nhưng cũng thu hút khá nhiều lao động tại địa phương. Gần Tết, ông phải
tranh thủ thu mua thêm nguyên liệu, thuê thêm người làm để có đủ sản phẩm cung
cấp cho khách hàng.
Trưa hôm ấy, ông Tư đang ngồi uống trà với bà Tư thì
chuông điện thoại reo. Ông Tư bắt máy, đầu dây bên kia là giọng của một thanh
niên: “A lô… a lô. Phải cơ sở thạch dừa của ông Tư Tài không...”. Ông Tư chăm
chú nghe rồi trả lời: “Dạ phải… Dạ gần Tết… hút hàng nên tôi có sơ sót chút đỉnh.
Dạ nước thải xả ra có nhiều hơn chút… mấy chú thông cảm cho. Dạ… chiều nay tôi
có nhà”. Ông vừa xong cuộc điện thoại, bà Tư hỏi: “Chuyện gì vậy ông?”. Không vội
trả lời, ông bật lửa rít một hơi thuốc dài rồi nói: “Thì mấy ông môi trường
nói… chỗ mình xả nước thải quá quy định đòi xử phạt vậy mà”. “Có cách nào giải
quyết xong không ông… Hôm trước mình bị lập biên bản một lần rồi, đang làm hàng
Tết mà ngừng sản xuất là kẹt lắm”, bà Tư lo lắng. Ông Tư chậm rãi: “Bà đừng quá
lo. Hồi nãy, qua điện thoại… tôi thấy mấy tay này có ý muốn mình chi tiền bồi
dưỡng là xong hà. Ông Hai Tấn đã bồi dưỡng cho họ hết 5 triệu đồng. Thôi kệ, tốn
chút đỉnh cho êm chuyện để lo làm ăn, Tết nhứt tới rồi”…
Chiều hôm ấy, có hai thanh niên mặc áo xanh tới nhà của
ông Tư. Chủ nhà niềm nở mời khách ngồi. Sau khi tự giới thiệu là cán bộ thuộc
đoàn kiểm tra bảo vệ môi trường tỉnh, một người khách nói: “Lần trước, cơ sở của
chú vi phạm về xả nước thải. Theo quy định thì mức phạt tới 5 triệu đồng, nhưng
chú được gia giảm…”. Ông Tư vội nói: “Thì mấy chú thương tình… cho tôi làm ăn,
vợ chồng tôi cũng biết ơn, tính phải quấy mà”. Khách nói lớn: “Nay Chính phủ
ban hành nghị định mới rồi, mức xử phạt vi phạm về môi trường cao hơn”. Nói tới
đây, khách dừng lại nhìn thẳng vào ông Tư rồi tiếp: “Chỗ chú làm ăn, chắc cũng
ngại tai tiếng vì gây ô nhiễm và bị xử phạt”. “Ờ, ờ… chú em nói đúng. Chắc hai
chú cũng có cách gỡ dùm phải không”, ông Tư nói. “Thì… thì cũng có chứ…”. Không
đợi khách nói hết câu, ông Tư tới sát bên khách, dúi vào túi áo người này một
bao thư kèm theo câu: “Tôi gửi mấy chú chút đỉnh tiền uống cà phê, đừng ngại
nha. Được hai chú giúp dùm, tôi rất quý”. Sau một hồi từ chối “nhẹ”, hai người
khách nói vài câu xã giao rồi từ giã chủ nhà ra về. Ông Tư đứng nhìn theo rồi
nói với vợ: “Hết 6 triệu đồng rồi, không biết mấy ổng có kiểm tra gì không nữa”.
Hai ngày sau, trong lúc ông Tư đang tính toán sổ thì nghe
tiếng chó sủa ngoài cổng. Cửa mở, đi đầu là ông Sáu (tổ trưởng) và cán bộ phụ
trách môi trường xã cùng với một số người nữa. Theo giới thiệu của tổ trưởng,
ông Tư biết được đây là đoàn kiểm tra bảo vệ môi trường của huyện phối hợp cùng
với xã tới kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Hỏi chuyện,
ông Tư mới biết mình đã bị lừa, vì mấy ngày trước đây không có ai là cán bộ thuộc
đoàn kiểm tra bảo vệ môi trường tỉnh tới xã này cả…
Hiện nay, có một số đối tượng giả dạng là cán bộ, chiến
sĩ của lực lượng Cảnh sát môi trường hoặc giả là cán bộ của đoàn kiểm tra bảo vệ
môi trường để lừa đảo chiếm đoạt tiền của các doanh nghiệp. Thủ đoạn của chúng
là nắm thông tin những cơ sở sản xuất bị người dân phản ánh gây ô nhiễm hoặc đã
bị ngành chức năng kiểm tra; sau đó, chúng điện thoại gạ gẫm là sẽ dàn xếp cho
êm xuôi và khéo léo gợi ý rồi lấy tiền “bồi dưỡng” của khổ chủ. Mong rằng, người
dân cần đề cao cảnh giác để không bị mắc lừa.