Thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Bến Tre có nhiều người bán hàng đổ xô đi mua túi nylon dự trữ vì cho rằng loại vật dụng này sắp bị… cấm sử dụng (!). Tuy nhiên, thông tin túi nylon phải chịu thuế bảo vệ môi trường từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg túi sản xuất ra có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012 theo Luật Thuế bảo vệ môi trường đã nhanh chóng hạ nhiệt cơn sốt giá.
1kg túi nylon trước đây có giá khoảng 40.000 đồng, lúc sốt lên tới 80.000 đồng, hiện đã chững lại ở mức 60.000 đồng/kg. Chủ một điểm bán sỉ và lẻ túi nylon trên địa bàn TP. Bến Tre cho biết, giá túi nylon đã ổn định ở mức khoảng 60.000 đồng/kg và thời điểm này có đủ nguồn hàng cung cấp. Chủ tiệm cũng giới thiệu cho khách loại túi tự hủy, giá chênh lệnh khoảng 10.000 đồng/kg so với túi nylon thông thường. Thời gian qua, tuy biết được tác hại của túi nylon nhưng nhiều người vẫn sử dụng một cách thoải mái, vì thế, việc túi nylon phải chịu thuế bảo vệ môi trường là điều khá dễ hiểu.
Theo các nhà khoa học, túi nylon thông thường khi thải ra môi trường tự nhiên phải mất hàng chục năm thậm chí hàng trăm năm mới phân hủy được hoàn toàn. Môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nylon sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Túi nylon lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, khiến cây trồng chậm tăng trưởng. Những chất độc hại từ túi nylon khi ngấm vào nguồn nước sẽ xâm nhập vào cơ thể người gây bệnh tật. Rác thải túi nylon còn làm tắc cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải, ô nhiễm môi trường…
Do đó, việc hạn chế sử dụng túi nylon đang được phát động rộng rãi, nhất là ở những đơn vị bán lẻ hàng hóa. Đại diện Ban Giám đốc siêu thị Co.op Mart Bến Tre cho biết, mỗi ngày siêu thị sử dụng 1,3 tấn túi nylon (tương đương 1.300kg), giá mỗi kg túi là 38.000 đồng. Hiện nay, giá túi nylon đã lên đến 70.000 đồng/kg, tính ra mỗi ngày siêu thị tốn thêm gần 42 triệu đồng cho việc mua túi nylon. Trước mắt, nhằm giúp người dân thay đổi thói quen sử dụng túi nylon, siêu thị đã có những động thái tiết giảm việc sử dụng loại túi này như toàn bộ cán bộ nhân viên chuyển qua sử dụng túi bảo vệ môi trường. Có những ngày đặc biệt dành riêng cho khách hàng sử dụng túi giấy khi đến mua sắm. Siêu thị còn vận động khách hàng không sử dụng túi nylon, hàng hóa giao tận nhà cho khách cũng được nhân viên siêu thị cho vào túi bảo vệ môi trường,
Với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đồng lòng cùng phụ nữ cả nước xây dựng gia đình không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Hưởng ứng cuộc vận động này, Hội Phụ nữ xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm) đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ với môi trường. CLB đã tuyên truyền về tác hại của túi nylon, kêu gọi phụ nữ chung tay làm đẹp cảnh quan môi trường, phân loại rác thải… Chị Phạm Thị Coi - thành viên CLB chia sẻ, mỗi khi đi mua lúa cho gà ăn, chị mang theo túi nhựa hoặc bao may để hạn chế sử dụng túi nylon, hay dùng giỏ nhựa để đi chợ mua và đựng rau, củ, quả không cần đến túi nylon. Chị Lê Thị Thủy, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Đa số chị em có nhận thức tốt và tán thành việc hạn chế sử dụng túi nylon để bảo vệ môi trường, điểm nóng về rác thải túi nylon ở xã giờ đã giảm gần 80%”.
Hạn chế sử dụng túi nylon, chúng ta không mất gì, trái lại chúng ta được hưởng lợi là môi trường sống sẽ giảm bớt gánh nặng ô nhiễm rác thải túi nylon, qua đó cải thiện dần môi trường sống.