Người dân ngắm nhìn quang cảnh tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho biết tài liệu được cho thuộc về Lầu Năm Góc bị rò rỉ trên mạng xã hội có bao hàm thông tin trên.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc vào ngày 9-4 cho biết các nghi vấn trong bài báo của New York Times về thảo luận nội bộ xoay quanh Ukraine “chưa được xác thực”.
Bên cạnh đó, hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) dẫn thông báo cơ quan này nêu rõ: “Chúng tôi sẽ xem lại các tiền lệ và ví dụ liên quan đến những quốc gia khác từ đó đưa ra phản ứng thích hợp”. Cơ quan này cũng đề cập sẽ trao đổi với Mỹ về vấn đề.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh chính phủ không thay đổi lập trường cơ bản với Ukraine, theo đó, Seoul tập trung vào hỗ trợ nhân đạo thay vì cung cấp vũ khí sát thương.
Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) vào tháng 8-2022 cho biết hai công ty quốc phòng của nước này là Hyundai Rotem và Hanwha Defense đã ký hợp đồng trị giá 5,76 tỷ USD xuất khẩu xe tăng chiến trường K-2 và pháo tự hành K-9 cho Ba Lan. Hàn Quốc còn dự kiến xuất khẩu chiến đấu cơ đến Ba Lan.
Ngày 7-4, Bộ Tư pháp Mỹ đã bắt đầu điều tra vụ rò rỉ một số tài liệu mật được cho thuộc về Lầu Năm Góc bị đăng trên mạng xã hội trước đó cùng ngày.
Cuộc điều tra được thực hiện trong bối cảnh nhiều câu hỏi tiếp tục được đặt ra xung quanh nguồn gốc, tính xác thực của các tài liệu này.
Trước đó, các tài liệu có đóng dấu mật đã được đăng lên mạng xã hội, chúng giống với bản cập nhật thông thường hằng ngày của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Các tài liệu này được phát hành trong khoảng thời gian từ ngày 23-2 đến ngày 1-3.
Số tài liệu kể trên không phải là kế hoạch chiến tranh, cũng như không cung cấp chi tiết về bất kỳ cuộc tấn công nào đã được lên kế hoạch của Ukraine. Một số tài liệu có chứa các chi tiết được cho là không chính xác. Điều này làm dấy lên hoài nghi về tính xác thực của tài liệu.
Giới chức Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết về nguồn gốc, tính xác thực của các tài liệu rò rỉ cũng như cá nhân hay tổ chức nào đăng tải chúng đầu tiên lên mạng Internet.
Tờ The New York Times là tờ báo đầu tiên đưa tin về vụ rò rỉ. Sau đó cùng ngày, tờ báo này cho biết có thêm nhiều tài liệu, trong đó liên quan đến Ukraine cũng như các vấn đề an ninh quốc gia nhạy cảm đã xuất hiện trên mạng xã hội.
Nguồn: TTXVN