Hàng hóa thiết yếu đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng

12/07/2021 - 06:05

BDK - Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu khuyến cáo, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người dân cần bình tĩnh trong mua sắm; không nên mua tích trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm, chỉ mua với số lượng đủ dùng. Người dân không để đối tượng xấu, lợi dụng cơ hội do sự thiếu thông tin để găm hàng, gây khan hiếm hàng hóa giả tạo, tăng giá đột biến, mất ổn định thị trường.

Lượng hàng về chợ Đầu mối nông thủy sản Phường 8, TP. Bến Tre tăng 30%.

Lượng hàng về chợ Đầu mối nông thủy sản Phường 8, TP. Bến Tre tăng 30%.

Nhiều mặt hàng tăng giá

Tuần qua, lượng hàng hóa nhập về chợ mỗi ngày tương đối ổn định. Riêng vài ngày gần đây, lượng hàng tăng đến 70 tấn/ngày, tương ứng tăng từ 30% trở lên so với ngày thường. Giá cả nhiều mặt hàng nông sản có biến động, bình quân tăng 30%. Có một số mặt hàng tăng mạnh từ 30 - 50%, thậm chí có mặt hàng tăng 100% như: cà chua, bắp cải, dưa leo...

Theo thông tin từ tiểu thương và Ban Quản lý chợ TP. Bến Tre, giá cả một số mặt hàng thiết yếu trong tuần vừa qua tại chợ Đầu mối nông thủy sản Phường 8, TP. Bến Tre có tăng so với tuần trước đó. Đặc biệt, mặt hàng rau, củ, quả tăng mạnh. Tiểu thương Nguyễn Thị Ánh kinh doanh các mặt hàng, rau, củ, quả tại chợ Đầu mối nông thủy sản Phường 8) cho biết: Trước đây, lượng hàng rau củ quả các loại về chợ chủ yếu được nhập trực tiếp từ Đà Lạt. Riêng những tháng gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tiểu thương chủ yếu lấy hàng từ các chợ đầu mối lớn tại TP. Hồ Chí Minh. Khoảng tuần nay, các chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh ngưng hoạt động, tiểu thương phải chuyển qua lấy nguồn hàng từ Đà Lạt được chở về tại tỉnh Trà Vinh.

Tiểu thương Nguyễn Thị Kim Ngân, chợ Đầu mối nông thủy sản Phường 8 cho biết thêm: Hàng hóa về chợ nhiều, tăng gấp đôi so với ngày thường. Lượng hàng rau, củ, quả về chợ chủ yếu có nguồn gốc từ Đà Lạt. Lượng hàng hóa dồi dào không lo thiếu hàng, nhưng giá cả tăng do chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa trong điều kiện dịch bệnh vô cùng khó khăn như hiện nay. “Các chi phí đều đội lên, cước phí tăng gấp đôi, đó là chưa kể đội ngũ tài xế khan hiếm do việc họ ngừng, hoặc giảm lưu thông...”, chị Ngân cho hay.

Mặt khác, tiểu thương các chợ huyện nếu thường ngày mua hàng trực tiếp tại các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh thì nay cũng đổ dồn về thu mua tại chợ đầu mối tỉnh. Do đó, lượng hàng về chợ dù đã tăng gấp đôi nhưng cũng không đủ để phân phối theo yêu cầu của tiểu thương.

Trưởng ban Quản lý chợ TP. Bến Tre Nguyễn Viết Cường cho biết: Để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, lãnh đạo Ban Quản lý chợ đã chỉ đạo, điều hành các đội, tổ quản lý các chợ tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền, thường xuyên nhắc nhở hộ kinh doanh và người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là thông điệp “5K” theo khuyến cáo của Bộ Y tế; trang bị đầy đủ nước khử khuẩn tại các lối vào chợ để người dân và hộ tiểu thương sử dụng.

Chợ Đầu mối nông thủy sản Phường 8 duy trì thực hiện nghiêm việc bắt buộc tài xế, chủ phương tiện vận tải có xe bốc xếp hàng hóa ra, vào bến đỗ phải đăng ký, khai báo y tế đúng theo quy định, đối với trường hợp xe ngoài tỉnh vào phải có giấy xét nghiệm Covid-19 kết quả âm tính. Phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố mời các hộ kinh doanh ở các chợ trực thuộc có mua bán với người ngoài tỉnh để xét nghiệm Covid-19, kết quả 117 mẫu thử đều âm tính. Đồng thời gửi danh sách các hộ tiểu thương đăng ký tiêm ngừa Covid-19 về trên đúng theo yêu cầu. Điều chuyển 1 máy bơm từ chợ Bến Tre về chợ Đầu mối nông thủy sản Phường 8 để phun xịt khử khuẩn các tuyến đường nội bộ, khu kinh doanh theo định kỳ.

Đảm bảo nguồn hàng thiết yếu

Hiện nay, do tâm lý của một bộ phận người tiêu dùng lo lắng về sự thiếu hụt hàng hóa, rủi ro lây lan của dịch bệnh nên đã tranh thủ mua trữ các mặt hàng thiết yếu như: gạo, mắm, mì tôm, rau, củ, quả. Cộng với việc dễ tin vào những nguồn thông tin không chính thống là sẽ xảy ra tình trạng người dân ồ ạt đi mua hàng tích trữ, vô tình góp phần gây “sốt hàng”, “sốt giá”.

Lượng hàng rau, củ, quả dồi dào tại chợ nông thủy sản đầu mối Phường 8, TP. Bến Tre.

Lượng hàng rau, củ, quả dồi dào tại chợ nông thủy sản đầu mối Phường 8, TP. Bến Tre.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu khẳng định: Các đơn vị đủ năng lực cung ứng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh hiện nay như: Siêu thị Go! Bến Tre, Siêu thị Co.opmart Bến Tre, Công ty Lương thực Bến Tre, Công ty cổ phần Thương mại Trúc Giang, Hệ thống cửa hàng tiện lợi Bách hóa xanh, Vinmart+…

 Đại diện Ban giám đốc Siêu thị Co.opmart Bến Tre cho biết, để đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân trên địa bàn, đơn vị đã có kế hoạch dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tăng gấp đôi so với ngày thường. Giá cả hiện vẫn giữ nguyên không thay đổi. Nguồn cung đều đặn và không có khả năng bị đứt gãy trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Các đơn vị này đã cam kết đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định trong mọi tình huống dịch bệnh, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh, nhất là các mặt hàng gạo, mì tôm, thực phẩm đóng hộp. Chủ động xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa và giữ ổn định giá cả thị trường theo từng cấp độ, trong đó có tính đến giải pháp điều tiết hàng hóa từ các kho tại địa phương khác và giữa nội bộ các cửa hàng trên địa bàn một cách nhanh nhất. Đặc biệt, hình thức mua bán hàng online đã triển khai rất tiện lợi, hiệu quả.

“Sở đã đề nghị các đơn vị đầu mối tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các giải pháp đảm bảo đầy đủ, kịp thời nguồn cung hàng hóa phù hợp tình hình thực tế trong từng thời điểm; giữ ổn định giá cả hàng hóa. Thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường để chủ động dự trữ hàng hóa và triển khai phương án điều tiết kịp thời nguồn cung ứng hàng hóa, đảm bảo các nhu yếu phẩm cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường...”, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết thêm.

Ngày 9-7-2021, Sở Công Thương đã có Công văn số 1299 về việc đảm bảo ổn định thị trường trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến nhân dân an tâm về tình hình cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Hạn chế tập trung mua sắm nơi đông người vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, giá cả tại địa bàn, cung cầu các mặt hàng nhu yếu phẩm để chủ động có phương án, giải pháp nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ người dân.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích