Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre giai đoạn đến năm 2030 của UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu: Ưu tiên bảo vệ, duy trì, cải thiện các khu bảo tồn hiện có của tỉnh gắn với phát triển du lịch sinh thái. Chú trọng công tác bảo tồn khu vực cửa sông, biển, các vùng đất ngập nước quan trọng.
Phục hồi, cải tạo Khu bảo vệ cảnh quan Thạnh Phú, Khu bảo tồn sân chim Vàm Hồ. Đánh giá, xem xét thành lập mới các khu bảo tồn theo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia. Nâng cao độ che phủ rừng, tỷ lệ che phủ rừng năm 2025 đạt 0,2%, năm 2030 đạt từ 2,1%. Tăng cường ngăn ngừa, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Các nguồn gen hoang dã, các giống cây trồng có giá trị kinh tế, đặc trưng của tỉnh được đánh giá, lưu giữ, bảo tồn, chia sẻ lợi ích từ nguồn gen.
Bảo vệ các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, hoang dã trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên, tài nguyên rừng: có 90% người dân tỉnh Bến Tre được phổ biến, tuyên truyền. Hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre.
Đến năm 2050, các khu bảo tồn, các loài nguy cấp, các nguồn gen quý của tỉnh được bảo tồn hiệu quả, sử dụng bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và Bến Tre phát triển hài hòa giữa kinh tế và bảo vệ môi trường. Bảo tồn, phục hồi sinh thái vùng đất ngập nước quan trọng ven biển tỉnh tiến đến đề xuất Khu Ramsar.
Kế hoạch cũng đề ra nội dung, nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học. Tăng cường bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm. Tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích, bảo vệ tri thức nguồn gen. Đánh giá phát huy lợi ích đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Kiểm soát các hoạt động tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.
Giải pháp thực hiện là: Tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học. Nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học. Thực hiện lồng ghép yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học vào các dự án đầu tư công, chính sách phát triển. Thực hiện nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Đảm bảo nguồn lực tài chính cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác vùng trong bảo tồn đa dạng sinh học.
Trần Quốc