Nhậu say về chửi bới vợ con, thậm chí đánh vợ gây thương tích là hiện trạng xảy ra ở một số gia đình nông thôn. Những khi đó, người vợ thường hay cắn răng nhẫn nhịn hoặc chạy sang nhà người quen để “lánh nạn”. Khi đã quá mức chịu đựng, các bà đã phản kháng bằng cách “trả đũa” lại, từ đó gây nên hậu quả đau lòng như câu chuyện dưới đây.
Kết hôn với nhau được 5 năm, chị Cảm có một thời gian sống
hạnh phúc với anh Ràng, vợ chồng chị được 2 đứa con. Nhưng hạnh phúc đến với họ
chẳng được bao lâu thì gia đình xảy ra lục đục, vì thời gian sau này anh Ràng
thường hay la cà, nhậu nhẹt và lúc về nhà thì chửi bới, đánh đập vợ con. Chị Cảm
đã nhiều lần khuyên răn chồng nhưng anh vẫn không sửa chữa. Bỏ mặc công việc ruộng
nương cho một mình vợ chăm sóc đã đành, anh còn hay lui tới những quán có “em
út”. Cha mẹ của Ràng cũng khuyên nhủ anh nhưng vẫn không có kết quả.
Chị Cảm nhiều lần than vãn với người quen, cảm thấy buồn
cho số phận của mình nhưng chị phải cố gắng làm việc để lo cho các con. Lúc mới
kết hôn, chỉ có 1,5 công đất trong tay, anh chị đã chịu khó trồng lúa, hoa màu
và chăn nuôi vịt thả đồng với mong muốn làm giàu. Giờ đây, kinh tế gia đình đã
khá lên nhưng tình cảm của hai vợ chồng chị không còn như xưa nữa. Những lúc
say rượu, anh Ràng hay chửi rửa, đánh chị Cảm. Có lần, đang lúc bữa cơm, anh đã
dùng chén đánh vợ chảy máu đầu phải đến trạm xá điều trị. Buồn chồng, chị Cảm tới
TP. Hồ Chí Minh làm thuê cho một người bà con. Anh Ràng tìm tới năn nỉ xin được
tha thứ. Thương 2 đứa con nhỏ (lớn 8 tuổi, nhỏ 5 tuổi) và chưa thể dứt tình với
chồng nên chị phải về quê.
Về nhà, chị Cảm tiếp tục cặm cụi làm để lo cho gia đình.
Anh Ràng sửa đổi tính nết được chừng hơn một tháng thì lại rượu chè be bét như
trước đây. Có lần, anh Ràng bị Công an xã xử phạt về hành vi gây mất an ninh trật
tự. Tại trụ sở công an, anh hứa hẹn sửa sai đủ điều nhưng sau đó thì vẫn như
cũ. Một ngày nọ, anh Ràng kêu vợ vớt chiếc tẹt (ghe dùng chở chiếc máy xới tay)
bị chìm trước đó. Sức yếu, một mình chị Cảm không thể làm nổi nên bị chồng chửi
và đánh vào đầu. Bực tức vì bị đánh vô cớ nên chị dùng miếng gạch ném trả nhưng
không trúng anh chồng vũ phu mà làm bể một phần tấm cửa kính. Chuyện chỉ có vậy
thôi, thay vì mua kính sửa lại cánh cửa, anh Ràng không làm mà còn đuổi không
cho chị Cảm về nhà, chị phải ngủ nhờ ở nhà người quen. Sáng hôm sau, lúc chị Cảm
vừa về tới nhà thì bị chồng đánh, buộc phải gắn lại miếng kính bị bể, sau đó
thì anh bỏ đi nhậu với bạn…
Chiều hôm sau, anh Ràng say rượu đi khệnh khạng về nhà. Bấy
giờ, chị Cảm đang loay hoay mở cửa sổ để thay kính, anh không hề phụ vợ mà còn
kiếm chuyện chửi vợ. Anh gạn hỏi vợ lấy tiền ở đâu ra để thay cửa kính thì được
chị trả lời do mình lấy tiền cắt lúa mướn để trả. Ràng liền chửi bới vợ và quay
qua đánh vợ, chị Cảm nhẫn nhục chịu đòn. Ràng không nương tay mà tiếp tục đánh
vợ. Trong lúc lùi dần, chị Cảm quơ được con dao để ở trên bao lúa rồi chém nhiều
nhát vào hai tay chồng và nói: “Tay này hả… cho mày đánh tao nè… cho mày đánh”.
Sau đó, chị đến công an xã đầu thú. Lúc đi ngang nhà người chị chồng, chị Cảm
kêu mang anh Ràng đi cấp cứu. Chị Cảm bị bị phạt 9 tháng tù về tội cố ý gây
thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình
1. Nạn nhân bạo lực gia đình
có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức,
người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp
pháp khác của mình;
b) Yêu cầu cơ quan, người có
thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của
Luật này;
c) Được cung cấp dịch vụ y tế,
tư vấn tâm lý, pháp luật;
d) Được bố trí nơi tạm lánh,
được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
đ) Các quyền khác theo quy định
của pháp luật.
2. Nạn nhân bạo lực gia đình
có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ
chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.
(Điều 5 Luật Phòng, chống bạo
lực gia đình)
|