|
Viếng mộ liệt sĩ tại đảo Nam Yết. |
Tháng 4 lịch sử, cả nước kỷ niệm 34 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, đường Hồ Chí Minh tròn 50 năm tuổi...
Hòa mình vào khí thế hào hùng, trên con tàu HQ 996, thuộc Hải đội 411, vùng IV Hải quân, chúng tôi-đoàn công tác đến từ 16 đơn vị ngành của Trung ương, các tỉnh bạn đón mừng kỷ niệm 34 năm ngày lịch sử trọng đại của dân tộc trên mảnh đất nơi tuyến đầu của Tổ quốc - quần đảo Trường Sa. Tôi, thế hệ kế thừa, tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc, sung sướng biết bao, khi mình được đứng ngay trên chính mảnh đất thiêng liêng, giữa trùng khơi hát vang bài quốc ca của Tổ quốc mình: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa, cờ in máu chiến thắng mang hồn nước…”. Tôi hát như chưa từng được hát, hát với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, bằng chính con tim của mình, bằng niềm tự hào dân tộc. Ôi, Tổ quốc, hai tiếng thiêng liêng, đẹp và rộng lớn vô vàn!
Đêm 21-4, tàu neo lại ở đảo Sinh Tồn để đoàn văn nghệ Hải Đăng(tỉnh Khánh Hòa) biểu diễn phục vụ quân và dân trên đảo. Trước đó, hồi 15 giờ chiều cùng ngày, đoàn đại biểu đã có chuyến viếng thăm và làm việc với đảo. Đặt chân lên đảo Sinh Tồn trời mưa khá nặng hạt. Các đại biểu đã tập trung ở hội trường của đảo để đồng chí Dương Đức Hân-Đảo trưởng - báo cáo tình hình về đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của dân và chiến sĩ trên đảo. Mưa cứ mưa, cánh phóng viên chúng tôi tất bật tìm gặp những cư dân trên đảo để tìm hiểu thông tin về cuộc sống của họ, gặp gỡ, tâm tình, hỏi thăm sức khỏe, trao cho nhau một chút hơi ấm từ đất liền với biển đảo. Các anh em bên đài túi bụi với những cuộc phỏng vấn ngắn. Vì thời gian có hạn, chúng tôi lưu lại trên đảo rất ngắn ngủi, ba mươi phút. Được tin nhà số 6 trên đảo có chị sắp sinh con, anh Phúc – (Báo Bình Định) hối thúc tôi cùng đi. Thông tin ban đầu là vậy. Hai đứa đội mưa tới thì, không còn chỗ chen chân, Đài Tiếng nói Việt Nam, anh em các báo: Đất Việt, Công Lý, Phụ Nữ… đã đứng kín cả lối vào. “Chừng nào chị sinh”, “Trai hay gái”. - “Ai nói chị sinh, mới có mang ba tháng thôi” - giọng của một đồng nghiệp nói vọng ra. Như vậy là chắc chắn rồi, sẽ có thêm cư dân sắp chào đời trên đảo.
Một thoáng Nam Yết.
7 giờ 40 phút sáng ngày 22-4, sau khi tổ chức xong lễ tưởng niệm, tàu nhổ neo hướng về Nam Yết. 9 giờ, Trưởng đoàn công tác-Nguyễn Thị Thanh Hà-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, có buổi họp khẩn với Ban tổ chức tàu, và thông báo với đoàn về tình hình sơ kết chuyến đi. 9 giờ 14 phút, biển yên lặng như mặt nước ở hồ. Anh em bảo sẽ có mưa to. Tôi bước ra mạn tàu, bầu trời là một màu đen thẫm, màu nước biển cũng đen thẫm, mây kéo lại tạo thành một vòng tròn khép kín mà tâm của nó là con tàu. Anh Hà - Lữ đoàn 171 bảo: “Tầm nhìn hạn chế từ 7-10 km, tốc độ tàu chạy từ 7-9 hải lý/giờ”. Rồi anh dí dỏm, mô tả mưa trên biển theo một ý thơ hay văn của nhà văn, nhà thơ nào đó, rằng “Bầu trời như một cái chảo khổng lồ, úp từ trên trời xuống mặt biển”. Tôi thấy mình thật nhỏ nhoi làm sao… 12 giờ 9 phút, tàu thả neo cập vào đảo Nam Yết, trước mắt tôi, đảo bồng bềnh trên mặt biển và đẹp lộng lẫy không khác gì một vùng đất cồn của quê mình với một màu xanh bao phủ của dừa, cây nhàu, cây phong ba, cây mù u cổ thụ. Tôi đặc biệt chú ý nhiều đến những cây dừa, không giống như ở đảo Sinh Tồn, dừa ở đảo Nam Yết cho trái rất sai, sum suê hơn - điều này, thú thật làm các anh em trong đoàn tự dưng rất nhớ về Bến Tre. Nhà báo Nguyễn Thẻ (Đài PTTH Bến Tre) thốt lên rằng: “Đâu khác gì với cồn Phụng quê nhà”. Các loại cây trồng khác như rau mồng tơi, cải bẹ xanh hay đu đủ đều rất tươi tốt. Đảo chăn nuôi được cả heo, bò, gà, vịt…. Đảo có hệ thống đèn năng lượng mặt trời trải dài vòng quanh. Về đêm, Nam Yết càng đẹp thêm. Có điện, đời sống sinh hoạt của các anh chiến sĩ càng được cải thiện, dễ dàng hơn. Được xem ti vi, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát ra từ đất liền.
13 giờ, các thành viên trong đoàn công tác lên đảo an toàn. Đoàn tiến hành tham quan đảo, viếng và thắp hương trên mộ liệt sĩ Hoàng Đăng Hùng(quê tỉnh Hải Dương, hy sinh tháng 7-2004). Sau đó, đoàn được nghe đồng chí Bùi Hải Phước - Đảo trưởng báo cáo ngắn về tình hình của đảo, sinh hoạt, tình trạng sức khỏe của các chiến sĩ. 15 giờ 45 phút, lễ kỷ niệm 34 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, 34 năm giải phóng quần đảo Trường Sa được diễn ra. Tất cả đại biểu tham dự đã chỉnh tề trang phục. Trời lại bắt đầu mưa.
Cơn mưa khá nặng hạt, cũng chóng vánh đi qua, buổi lễ trang trọng lại tiếp tục. Đồng chí dẫn chương trình hô to: “Nghiêm, chào cờ. Chào!”. Bài Quốc ca được cất lên trầm hùng, tôi bắt đầu hát. Hát với tất cả con tim nhiệt huyết của mình. Lòng cảm thấy dậy lên niềm hạnh phúc, vinh quang, niềm tự hào dân tộc giữa mảnh đất thiêng liêng nơi tuyến đầu Tổ quốc. Chủ tịch huyện đảo Trường Sa - Nguyễn Đức Thắng đã ôn lại truyền thống hào hùng, trách nhiệm phải bảo vệ lấy chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Giữa trùng khơi, đồng chí nhấn mạnh rằng: Năm 2009, là năm đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tích cực chủ động, khắc phục khó khăn, tăng gia sản xuất, góp phần xây dựng huyện đảo Trường Sa giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về an ninh quốc phòng; tập trung nâng cao khả năng quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; triển khai học tập sâu rộng, có hiệu quả tinh thần Nghị quyết TW 4 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020…Đồng chí Chủ tịch huyện vừa dứt lời, toàn quân đảo Nam Yết đồng thanh hô to: “Xin hứa, xin hứa, xin hứa”!
Các anh ơi, hãy vững lòng, vững niềm tin, chắc tay súng. Nơi hậu phương-đất liền, chúng tôi luôn sát cánh ngày đêm cùng các anh canh giữ biển, đảo quê hương.