Hãy trân trọng tình nghĩa chòm xóm…

20/02/2017 - 07:20

Ở nông thôn, chuyện đàn gà hay bầy vịt của nhà này chạy sang vườn của nhà kế bên tìm thức ăn, tắm nắng là chuyện thường xảy ra. 

Thực tế, có nhiều trường hợp, 2 nhà ở gần nhau đã xảy ra tranh chấp lối đi hoặc con mương hay ranh đất. Với cách giải quyết nhã nhặn, khéo léo thì mọi chuyện sẽ êm đẹp. Ngược lại, nếu giữa hai bên không cảm thông với nhau thì tình hình sẽ trở nên xấu, ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm dẫn đến tranh chấp và còn xảy ra nhiều tình huống xấu khác…

Ông N. và ông H. ở gần nhau, giữa 2 người có mâu thuẫn do tranh chấp đất và đã được chính quyền xã hòa giải xong. Ông N. được cha mẹ cho hơn 10 công đất, chí thú làm ăn nên trở nên khá giả, mua thêm đất, sắm được chiếc máy cày làm phương tiện chuyên chở hàng hóa. Ông H. không có đất đai nhiều, chỉ có hơn công đất lại đông con nên gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Tại địa phương, thỉnh thoảng vợ chồng ông N. có giúp đỡ một số hộ gặp khó khăn, ngoại trừ ông H.. Những lúc gia súc hay gia cầm của ông N. lỡ xổng chuồng chạy sang đất của ông H. thì bị ông chửi bới. Ông H. cũng tỏ thái độ không vui mỗi khi nghe tiếng xe máy cày ông N. chở hàng hóa đi ngang nhà mình.

Khoảng giữa tháng 10-2014, ông H. khiếu nại và cho rằng ông N. đã đập bể lu chứa nước uống của mình. Chính quyền xã mời 2 bên tới hòa giải, ông H. không có bằng chứng việc ông  N. đã đập lu nước. Cuối cùng, hội đồng hòa giải xã phân tích nguyên nhân làm bể lu nước của ông H. có khả năng là cây dừa của ông N. rụng trái, do vậy ông N. có trách nhiệm phải bồi thường cho ông H.. Tuy nhiên, ông H. lại khăng khăng yêu cầu ông N. phải tìm một lu chứa nước giống “y chang” như cái lu đã bể để bồi thường cho ông. Ý kiến này không được mọi người chấp nhận. Tuy nhiên, vợ ông N. đã “kề tai nói nhỏ” với vợ ông H. để bồi thường cái lu (trị giá 200 ngàn đồng).

Hai năm sau, cuối tháng 11-2016, ông H. lại khiếu nại ông N. vì đã chở rơm đi ngang qua và làm ngã cột nhà bếp của mình. Ông N. quả quyết mình không làm ngã cột nhà ông H. và cho rằng cây cột này bị mọt mối ăn lâu ngày đã mục chân nên bị sập đổ. Hơn nữa, ông H. không bắt “quả tang” việc ông N. làm sập cột (nếu có) và cũng có người chứng kiến xác nhận vụ việc này.

Sẽ không có mâu thuẫn xảy ra, nếu như ông H. và ông N. cùng có cách xử sự khéo léo hơn, cùng trân trọng mối quan hệ tình nghĩa chòm xóm. “Bà con xa không bằng láng giềng gần”.

H.Trâm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN