Sáng 6/10 theo giờ Hà Nội (tức tối 5/10 theo giờ New York) tại trụ sở Liên Hợp Quốc, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HĐBA) lần thứ 2, Việt Nam chính thức chủ trì cuộc họp đầu tiên trong tháng 10 của HĐBA Liên Hợp Quốc. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã điều hành cuộc họp này.
Cuộc họp đầu tiên trong tháng 10 này có chủ đề “Đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái thời kỳ hậu xung đột và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các tiến trình hoà bình - an ninh” dưới đề mục “Phụ nữ, hoà bình và an ninh”. Đây là nội dung công việc quan trọng của HĐBA và được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm vì có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái những người bị tác động nặng nề nhất của xung đột, đồng thời đề cao trách nhiệm hàng đầu của HĐBA trong việc duy trì hoà bình an ninh quốc tế. Gần 60 nước thành viên Liên Hợp Quốc đã tham dự phiên họp; trong đó có 15 nước thành viên HĐBA, lãnh đạo LHQ và các tổ chức quốc tế tham luận tại phiên họp này.
Các nước hoan nghênh Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐBA, đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tổ chức thảo luận về vấn đề tái thiết sau chiến tranh. Các nước nhận định rằng, xung đột vũ trang đang tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới dân thường nhất là phụ nữ và trẻ em gái, sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình hoà bình còn hạn chế và nhiều hành động bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái vẫn còn chưa bị trừng phạt.
Các nước nhấn mạnh, cần phải tập trung vào những ưu tiên cụ thể như tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng hoà bình, đảm bảo nguồn tài chính cho việc tăng quyền năng của phụ nữ trong tái thiết sau xung đột, tiếp tục đảm bảo cho sự an toàn của phụ nữ trong và sau xung đột, loại bỏ mọi hình thức bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái và đảm bảo các điều kiện cho phụ nữ phát triển kinh tế giai đoạn hậu xung đột.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm ghi nhận các kết quả tích cực, đặc biệt sự thay đổi nhận thức, trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái sau xung đột; đồng thời cũng chỉ ra nhiều thách thức lớn đang tồn tại. Phó Thủ tướng chỉ rõ: để giải quyết triệt để vấn đề, cần phải ngăn ngừa chiến tranh, giải quyết hoà bình tranh chấp quốc tế.
Từ kinh nghiệm tái thiết sau chiến tranh của Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: cần có những nỗ lực toàn diện nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân; sự tự chủ của Chính phủ và người dân cần được phát huy và có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Liên Hợp Quốc. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp vào nỗ lực của quốc tế trong vấn đề này.
HĐBA đã nhất trí thông qua Nghị quyết 1889 (2009) do Việt Nam dự thảo và chủ trì thương lượng. Dự thảo này được 20 nước khác cùng đồng tác giả, trong đó đề ra một loạt biện pháp nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi và phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi giai đoạn của tiến trình hoà bình. Việc thông qua Nghị quyết này cũng đánh dấu việc chuẩn bị kỷ niệm 10 năm HĐBA thông qua Nghị quyết đầu tiên về phụ nữ, hoà bình và an ninh năm 2000.
Giám đốc Điều hành Quỹ Phát triển Phụ nữ của LHQ (UNIFEM) đánh giá Nghị quyết 1889 (2009) cùng với các Nghị quyết 1325 (2000), 1820 (2008) và 1888 (2009) trước đó của HĐBA về phụ nữ là những nền tảng cho một hệ thống vững mạnh đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong giải quyết xung đột và xây dựng hoà bình./.