
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu tại buổi làm việc.
Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Đức cùng đại diện các phòng, ban, đoàn thể huyện tiếp và làm việc với đoàn.
Qua 2 năm triển khai đề án, hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện được quan tâm; sự phối hợp các ngành, đoàn thể có bước chuyển đổi tích cực, công tác theo dõi, quản lý, hỗ trợ hộ nghèo tham gia đề án từng bước đi vào cụ thể, có sự linh hoạt trong vận động lồng ghép nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo.
Một số hộ nghèo dần chuyển đổi nhận thức và vượt khó vươn lên phát triển sản xuất và tham gia lao động tại thị trường nước ngoài nhiều hơn. Số hộ tham gia đề án ở các xã, thị trấn qua các năm đã góp phần làm giảm nghèo bền vững. Hiện toàn huyện có 790 hộ nghèo, cận nghèo tham gia đề án, đạt 67% tổng số hộ đăng ký ban đầu (1.179 hộ). Có 11 mô hình giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương được xây dựng và nhân rộng như: nuôi dê, trồng kiểng lá, trồng nấm bào ngư..., với 107 hộ nghèo, cận nghèo tham gia.
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân trên 39 tỷ đồng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Huyện mở 39 lớp dạy nghề đan bội kẽm, quay chậu, kỹ thuật ghép cây,... cho trên 1 ngàn học viên, giúp người lao động nghèo, cận nghèo có tay nghề, tìm được việc làm và có thu nhập ổn định. 720 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo được giới thiệu việc làm mới. 10 trường hợp thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn tham gia xuất khẩu lao động. Kết quả sau 2 năm, có 404 hộ đăng ký tham gia đề án đã thoát nghèo.
Các thành viên của đoàn giám sát đã trao đổi, chất vấn các vấn đề về sự tiếp cận của người dân đối với đề án, công tác tuyên truyền, sử dụng vốn vay… Đồng thời, đoàn đóng góp nhiều ý kiến để UBND huyện tiếp tục thực hiện đề án đến hết nhiệm kỳ.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Thị Thu Thảo lưu ý, huyện cần quan tâm nhiều hơn cho công tác tuyên truyền để người dân tiếp cận được thông tin về đề án một cách rõ ràng. Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch, có sự phân công, chỉ đạo cụ thể cho các xã để thực hiện đề án hiệu quả hơn trong 2 năm còn lại.
“Điểm nghẽn của huyện hiện tại là ở công tác tuyên truyền. Chúng ta cần xác định và giúp người dân hiểu rõ về ý nghĩa cũng như cách tham gia đề án, nhất là phải có mong muốn thoát nghèo. Người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo mới chính là chủ thể thực hiện đề án này” - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Thị Thu Thảo nhấn mạnh.
Được biết, trước khi làm việc với huyện, đoàn đã có buổi làm việc với UBND xã Phú Phụng và gặp gỡ người dân trên địa bàn xã.
Tin, ảnh: Thanh Đồng