Từ đầu năm 2012 đến nay, giá cả nhiều mặt hàng nông sản diễn biến theo chiều hướng không có lợi cho nông dân. Nổi bật nhất là trái dừa khô, giá từ gần 140 ngàn đồng/chục (12 trái) giảm xuống còn dưới 20 ngàn đồng/chục. Vì vậy, nông dân, nhất là những hộ dân sống chủ yếu dựa vào cây dừa gặp rất nhiều khó khăn.

Cảnh bán buôn thưa thớt ở một điểm mua dừa thuộc xã Khánh Thạnh Tân
(Mỏ Cày Bắc).
Gia đình của ông Nguyễn Văn Nghĩa ở xã Hưng Nhượng (Giồng Trôm) có 8 công đất trồng dừa, trung bình mỗi tháng thu hoạch 1,5 thiên trái (1 thiên = 1.200 trái). Khi trái dừa khô tăng giá, cuộc sống gia đình rất dễ “thở”. Khi giá dừa khô còn dưới 20 ngàn đồng/chục thì các khoản chi tiêu của gia đình phải thu hẹp lại. Ông Nghĩa trăn trở: Lúc trái dừa bán được giá, chưa đến ngày thu hoạch đã có thương lái đến hỏi mua. Khi giá dừa khô chỉ còn 17 ngàn đồng/chục, nhà vườn rất khó khăn mới gọi được thương lái. Thương lái đặt vấn đề, bán hai trái tính tiền một trái, tức một chục dừa nâng lên 24 trái, giá chỉ 17 ngàn đồng, trừ tiền công bẻ chỉ còn 11 ngàn đồng.
Những năm gần đây, nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng dừa kết hợp với chăm sóc đúng mức nên cho trái rất sai. Dừa trở thành cây trồng đem lại thu nhập chính. Trái dừa khô rớt giá và giá cả các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng đã làm xáo trộn các khoản chi tiêu của gia đình. Ông Nguyễn Văn Lên, ở xã Hưng Nhượng (Giồng Trôm) tâm sự: Ở nông thôn, mỗi tháng có vài đám tiệc, mình phải bấm bụng đi, rồi còn lo nhiều khoản chi tiêu thiết yếu trong gia đình và việc học hành của con cái. Ngay thời điểm này, gia đình hai người sở hữu 4 công đất mà cuộc sống vẫn khó khăn. Theo ông Lên, nơi ông ở, bà con thường chơi hụi để hốt xoay vòng, mua sắm vật dụng trong gia đình. Khi trái dừa giá cao, mỗi tháng đóng hụi 500 ngàn hoặc 1 triệu đồng không thành vấn đề. Khi dừa rớt giá, những người chơi hụi đã hốt rồi (đóng hụi chết) cũng như chuẩn bị hốt đều cùng khó khăn. Tiền tích lũy đem ra đóng hụi đã đến mức cạn kiệt, có nguy cơ diễn ra bể hụi và sẽ gây bất ổn xã hội.
Đứng trước khó khăn này, từng nông dân đã chọn một giải pháp gọi là “chữa cháy”. Ông Nguyễn Quốc Dũng, ở xã Sơn Định (Chợ Lách) có 2 công đất ở xã Hưng Nhượng, quyết định hạ dừa để trồng cây ăn trái. Ông Dũng lý giải: Với diện tích đất ít, nếu giữ cây dừa lại thì cuộc sống rất khó khăn. Ông đốn cây dừa và đem một số loại cây ăn trái đặc sản của Chợ Lách về trồng. Trong thời gian chờ cây cho trái, ông trồng xen cây đu đủ để lấy ngắn nuôi dài. Gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa, ở xã Hưng Nhượng kiên quyết không bỏ cây dừa, bởi theo ông, đốn cây dừa thì trồng cây gì và liệu rằng đến khi cho trái có bán được giá hay không. Ông Nghĩa cho rằng, loại cây trồng nào cho trái bán được giá cao rồi cũng có lúc rớt giá. Cây dừa không thoát ly quy luật này, giá thấp rồi sẽ tăng lên. Ông duy trì việc chăm sóc cây dừa để khi giá tăng có trái mà bán. Về lâu dài, ông Nghĩa sẽ tỉa thưa vườn dừa và trồng xen một loại cây ăn trái để hỗ trợ nhau mỗi khi giá biến động. Giải pháp của ông Hồ Văn Hải ở xã Định Thủy (Mỏ Cày Nam) là sắp xếp thời gian để mỗi ngày ông có vài giờ đồng hồ đi bồi vườn thuê cho các hộ dân trong xóm. Trung bình 1 giờ làm thuê, ông được trả tiền công 20 ngàn đồng.
Mang tâm sự của nông dân trồng dừa, tôi tìm đến “chợ dừa” ở xã An Thạnh - Khánh Thạnh Tân. Dòng sông Thom vẫn tấp nập xuồng ghe chở đầy dừa từ các nơi về. Tuy vậy, không khí lao động có phần trầm lắng. Bà Nguyễn Thị Thiện, ở Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc) cho rằng, ngay thời điểm này, dừa nguyên liệu dồi dào nhưng cái khó vẫn là đầu ra. Cơ sở của bà Thiện thu mua dừa trái của các thương lái rồi thuê người lột dừa. Bà chỉ giữ lại phần vỏ, còn phần ruột bán lại thương lái khác. Trái dừa lại thêm một vòng di chuyển, thương lái thu mua phần ruột phân loại từ 1,2kg trở lên bán cho tàu chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ, loại nhỏ hơn được đập ra bán từng bộ phận gồm cơm dừa, nước dừa, gáo dừa. Riêng phần vỏ dừa được đưa vào máy tuốt để tách lấy chỉ và mụn dừa. Nhiều cơ sở chỉ thực hiện đến công đoạn này phải bán cho những công ty thu mua thuê công phơi rồi ép chỉ thành kiện và trực tiếp xuất khẩu. Theo các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa ở An Thạnh - Khánh Thạnh Tân, không những trái dừa khô rớt giá mà những sản phẩm từ dừa tiêu thụ cũng gặp khó khăn. Lúc giá dừa tăng, 3,5 thiên vỏ dừa tuốt được 1 tấn chỉ, sau khi trừ chi phí, cơ sở sản xuất còn lãi 200 ngàn đồng. Bây giờ, 1 tấn chỉ còn lãi vài chục ngàn đồng, bởi tiền công thuê lột dừa tăng lên 180.000 đồng/thiên, công phơi từ 180.000 đồng/tấn chỉ tăng lên 220.000 đồng/tấn chỉ, tiền thuê máy tuốt từ 180.000 đồng/tấn tăng lên 220.000 đồng/tấn chỉ… trong khi đó giá chỉ xơ dừa từ 3.500 - 4.800 đồng/kg, giảm xuống còn từ 1.700 - 1.800 đồng/kg chỉ. Đầu ra của những sản phẩm này đang bị thu hẹp lại. Nhiều thương lái đến các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long và các huyện trong tỉnh thu mua dừa trái chở về, ghe cặp bến phải chờ các cơ sở thu mua, trong khi các cơ sở thu mua phải tiêu thụ hết số lượng sản phẩm làm ra mới thu mua tiếp.
Ông Nguyễn Văn Đạt - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Khánh Thạnh Tân cho biết, toàn xã có 47 cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa. Từ đầu năm 2012 đến nay, phần lớn các cơ sở phải sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động. Sản lượng làm ra từ 3-4 tấn/ngày nay giảm còn 2 tấn/ngày. Một vài doanh nghiệp đã đầu tư khép kín quy trình sản xuất từ khâu mua nguyên liệu đến ép kiện chỉ xơ dừa và trực tiếp tìm thị trường tiêu thụ, hoạt động có lợi nhuận; số còn lại chi phí đầu vào tăng nên không có lãi bao nhiêu. Theo ông Đạt, các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa đã giải quyết việc làm ổn định cho 1.500 lao động và hàng trăm lao động làm thuê thời vụ trong xã. Nhưng trước tình hình sản xuất của các cơ sở bị trì trệ kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân.
Rõ ràng, cây dừa có vai trò quyết định trong việc tạo thu nhập, cải thiện cuộc sống cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh. Trái dừa rớt giá đã kéo theo hàng loạt hệ lụy, cái chính vẫn là giảm thu nhập của người trực tiếp trồng dừa và lao động từ dừa. Đại bộ phận người dân Bến Tre không thể tách rời cây dừa, vấn đề là phải làm thế nào để nông dân an tâm gắn bó với cây dừa. Giải pháp có hiệu quả không chỉ tùy thuộc ở sự chung tay góp sức của các sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp trong tỉnh mà còn ở cả các bộ, ngành Trung ương, trong việc tìm kiếm đối tác, thị trường đầu ra cho trái dừa.