 |
Sản xuất cây giống ở xã An Hiệp (Châu Thành). Ảnh: H.H |
Từ năm 2006 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với các sở, ngành tổ chức triển khai 19 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp. Trong đó, hiệu quả nổi bật có 4 dự án, đề tài cây trồng; 5 dự án, đề tài chăn nuôi.
Các đề tài trọng tâm như đề tài nghiên cứu các giải pháp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) để nâng cao năng suất, phẩm chất cây ăn trái do Sở KHCN và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư thực hiện trên cây bưởi da xanh. Đề tài tuyển chọn giống lúa chống chịu mặn thích nghi các vùng ven biển, do Trung tâm Giống nông nghiệp thực hiện. Kết quả đến nay, cơ bản đã tuyển chọn được 6 giống có khả năng chịu mặn 4 phần ngàn, trồng được ở các huyện ven biển, nhất là trên một số diện tích lúa tôm, năng suất có thể đạt tới 5 tấn/ha như OM 9594, OM 9915, OM 9605, MTL 624, MTL 626, MTL 580. Dự án xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn UTZ Certified cho sản phẩm cacao. Dự án thành lập được 5 câu lạc bộ với 129 nông dân tham gia cùng doanh nghiệp thu mua được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, ngành đang tập trung hoàn chỉnh hệ thống tập huấn nâng cao kiến thức, góp phần ý thức hơn trong quá trình sản xuất của nông dân. Đề tài khảo sát ngưỡng chịu mặn cacao đang trồng, tuy chưa nghiệm thu nhưng đến nay đã báo cáo xong kết quả nghiên cứu. Nội dung của đề tài đánh giá được khả năng chịu mặn của một vài giống thích nghi với điều kiện các vùng bị nhiễm mặn khoảng 4 phần ngàn trong thời gian 3 - 4 tháng/năm với điều kiện không tưới trong lúc nước bị mặn. Đề tài chẩn đoán bệnh phù do Ecoli trên heo con đang trong giai đoạn cai sữa bị mắc bệnh đã xác định nguyên nhân, đưa ra phác đồ điều trị bằng phổ kháng sinh thích hợp đem lại hiệu quả điều trị và kinh tế cao. Đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ tỉnh phân giới tính để phát triển nhanh số lượng, chất lượng đàn bò thịt trong tỉnh, do Trung tâm Giống nông nghiệp thực hiện. Đề tài so sánh con lai F1 giữa các giống bò Red Angus, Brahman, bò đực lai Sind trên đàn bò nền địa phương và xây dựng mô hình Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao ở Ba Tri nhằm tạo giống bò thịt phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Dự án phát triển bò thụ tinh nhân tạo nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt, đưa ra cơ cấu giống bò thịt chất lượng cao từ 3% năm 2010 lên 15% năm 2015. Dự án quản lý đàn heo đực giống, thực hiện từ năm 2009 đến nay và hàng năm Trung tâm Giống kết hợp các ngành để giám định, bình tuyển trên 400 heo đực giống nhằm quản lý về mặt số lượng, chất lượng, nguồn gốc, lý lịch heo đực giống để tạo nền tảng nâng cao chất lượng đàn heo thương phẩm trong tỉnh…
Theo bà Trần Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để thích ứng và vươn lên ứng dụng thành công thành tựu khoa học công nghệ, ngành nông nghiệp phải có những quyết sách đúng đắn, kịp thời; trong đó, quyết sách quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiệm vụ chung của ngành trong những năm tới là tập trung đẩy mạnh phát triển KHCN cơ sở, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, lai tạo giống lúa mới, giống cây trái đặc sản, giống vật nuôi, qui trình sinh sản giống nhân tạo thủy sản. Chuyển giao và ứng dụng nhanh, có hiệu quả, tạo nguồn giống tốt, chất lượng cao, sạch bệnh. Trong đó, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, đa dạng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Gắn phát triển nông nghiệp với việc giải quyết tốt an sinh xã hội của nông dân vùng nông thôn. Ứng dụng nhanh, kịp thời các thành tựu KHCN vào sản xuất để nâng cao hiệu quả và giá trị các sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thông qua các chương trình, đề tài, dự án liên quan đến KHCN, nông dân và doanh nghiệp làm chủ được qui trình canh tác, thiết bị công nghệ, tiếp cận được với nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu giống, qui trình canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm.