Ông Lê Văn Chênh bên vườn dừa hữu cơ của gia đình.
Chuyển đổi nhỏ - lợi ích lớn
Cách đây 3 năm, ông Võ Kiến Đức, 77 tuổi, ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam được Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Khu công nghiệp An Hiệp, huyện Châu Thành) mời tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời, công ty vận động ông chuyển đổi từ phương pháp canh tác truyền thống sang hữu cơ. Khi đó, khu vườn hơn 1ha của ông Đức là vườn dừa đầu tiên ở xã Định Thủy mạnh dạn chuyển đổi.
Ông Võ Kiến Đức kể lại, thời điểm đó, nhiều nông hộ xung quanh vì chưa am hiểu và còn ngờ vực về hình thức liên kết sản xuất hữu cơ nên không đồng ý tham gia. Nhiều người còn tỏ vẻ phản đối: “Trồng dừa mà không bón phân hóa học thì sao mà tốt được. Rồi hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, lỡ bị doanh nghiệp ép giá, sao mà bán ra ngoài được nữa…”. Thậm chí, nhiều người có lời lẽ nặng nề hơn với ông. Người trồng dừa nêu ra hàng loạt e ngại trong giai đoạn khởi đầu chuyển sang canh tác hữu cơ. Nhưng ông quyết tâm chuyển đổi. Ông nói với bà con: “Từ từ coi sao. Phải làm mới biết”.
Bản thân ông Đức ngay từ đầu đã có niềm tin với quy trình hữu cơ. Vì nó thân thiện với môi trường, an toàn sức khỏe cho người trồng và cả người tiêu dùng. Trước đó, ông cũng đã sử dụng phân viên Bình Minh, cũng là một loại phân hữu cơ giúp cây phát triển ổn định hơn, tươi xanh hơn.
“Nếu chưa từng sử dụng phân hữu cơ thì có thể nghĩ nó không hay, nhưng cứ sử dụng khoảng 6 tháng rồi để ý, dừa lớn trái hơn, trái không bị tóp teo bên dưới trái như là xài phân Ure hay Kali. Phân hóa học thì mau phát nhưng mau hết, cây mau xuống, vàng lá, vào mùa nghịch rất ít trái. Nếu dùng Ure hay NPK dừa mau tốt nhưng vào thời điểm này, dừa gặp sương muối sẽ dễ teo quày, tuôn bẹ, rụng hết trái.
Với phân hữu cơ, cây xanh tốt bền bỉ và năng suất trái về sau cao và đều đặn hơn. Nếu để ý, sẽ phát hiện thêm lớp vỏ của trái dừa hữu cơ xốp hơn, dễ trốc hơn so với dừa bón phân hóa học”, ông Võ Kiến Đức so sánh.
Chỉ tay lên mấy buồng dừa còn trái khá nhiều, ông Đức vui vẻ nói: Nếu như trước đây, sử dụng phân hóa học là trái rụng sạch, trống trơn, chừng 4 - 5 tháng buồng dừa không đậu trái nào. Giá dừa cao thì đâu có mà bán. Nhưng từ khi sử dụng phân hữu cơ viên, lá dừa xanh lại thấy rõ. Mùa này, buồng còn đậu trái khoảng 30 - 50% so với những tháng bình thường. Giá dừa hữu cơ cao hơn giá dừa thường từ 3 - 5 ngàn đồng/chục nên thu nhập khá và ổn định hơn.
Theo ông Đức, giá phân hữu cơ không thấp hơn phân hóa học nhưng xét về tính hiệu quả, lợi ích thì cao hơn. Tuy nhiên, với phân hữu cơ, người trồng dừa có thể tự làm bằng cách tận dụng phân chuồng sẵn có tại địa phương như phân heo, phân bò, gà. Các loại phân chuồng đều phải ủ oai mục với nấm Trichoderma, pha trộn thêm một số phụ phẩm khác như mụn dừa, tro, trấu, mạt cưa... để rễ dừa dễ hấp thu và cây mau xanh tốt.
Đặc điểm của canh tác hữu cơ là người trồng dừa dùng ong nuôi ký sinh để phòng trừ sâu bệnh như bọ cánh cứng, sâu đầu đen thay cho các loại thuốc phun xịt hóa chất có hại.
Nhân rộng diện tích chứng nhận hữu cơ
Nếu thời gian đầu ai nấy cũng phản đối thì dần dần đã có nhiều hộ xung quanh làm theo ông Đức. Vì thấy có hiệu quả rõ rệt, từ việc đất trồng dần được cải tạo, cây dừa phát triển tốt hơn, năng suất ổn định hơn, trái to… đến giá bán cao hơn.
Ông Lê Văn Chênh, 63 tuổi, xã Định Thủy, có 1,7ha dừa vừa mới chuyển sang hữu cơ được 1 năm. Ông bộc bạch: “Vào hợp tác xã (HTX) 1 năm nay, thấy có lợi rất nhiều. Thấy vườn dừa có chuyển biến như đất đang dần cải tạo. Cây dừa xanh lên, tàu hủ nở ra, tàu mo nang cũng to ra. Cho thấy, thời gian tới sẽ cho trái to và nhiều hơn”.
Theo ông Chênh, chăm sóc dừa bằng phân hữu cơ không cực, nếu biết cách. Rải phân rồi thì đậy lá dừa lên để giảm độ bốc hơi nước trong đất. Lá dừa khi oai mục cũng sẽ tạo Kali. Bán giá cao hơn bên ngoài hợp tác xã gần 20 ngàn đồng/chục. Những hộ chưa vào có hỏi thăm ông cách để tham gia như thế nào. Bà con đã hăng hái đi đăng ký nhiều.
HTX Nông nghiệp Định Thủy, Mỏ Cày Nam đã liên kết với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, làm điểm thu mua, sơ chế cơm dừa hữu cơ để cung cấp cho nhà máy chế biến. Trong đợt dừa giảm giá đến mức thấp kỷ lục vừa qua, khi bên ngoài có nơi chỉ từ 12 - 18 ngàn đồng/chục dừa, HTX vẫn thu mua, với giá từ 30 ngàn đồng/chục dừa trở lên. Đối với dừa hữu cơ được mua cao hơn từ 3 - 5 ngàn đồng/chục. Mức giá từ 40 - 45 ngàn đồng/chục được duy trì khá ổn định tại HTX. Hiện nay, giá dừa có nhích lên, HTX đã nâng giá thu mua 50 - 55 ngàn đồng/chục cho nông dân.
Để đảm bảo thu mua với giá ổn định nhưng có lợi nhuận, HTX phải linh hoạt thu mua, sơ chế dừa trái để tiêu thụ cơm dừa, nước dừa, mụn dừa, chỉ xơ dừa. Hiện HTX đầu tư các loại máy đập chỉ, xay mụn, xe chuyên dùng…
“Khoảng 1 năm nay, HTX phát triển diện tích dừa hữu cơ khá nhanh. Hiện có 161ha dừa hữu cơ của 193 hộ trồng dừa ở xã. Về chỉ tiêu đưa ra đến cuối năm, toàn xã có 200ha dừa chăm sóc hữu cơ được chứng nhận là khả năng hoàn toàn có thể đạt và vượt. Bởi hiệu quả của liên kết, canh tác hữu cơ trong thời gian qua khá rõ, ai nấy cũng phấn khởi và đến HTX đăng ký tham gia rất nhiều”.
(Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Định Thủy Nguyễn Thị Thu)
|
Bài, ảnh: Cẩm Trúc