Hiệu quả hỗ trợ các đề án khuyến công

06/11/2019 - 07:13

BDK - Nhằm đánh giá hiệu quả hỗ trợ các đề án khuyến công (KC), Sở Công Thương đã kiểm tra thực tế các đề án KC được hỗ trợ từ nguồn kinh phí KC năm 2018. Theo đó, trong năm 2018, nguồn vốn KC tỉnh và KC quốc gia đã hỗ trợ 18 đề án. Trong đó, KC quốc gia 5 đề án, KC tỉnh 13 đề án.

Trưng bày các sản phẩm từ dừa để quảng bá với khách hàng. Ảnh: H.Hiệp

Trưng bày các sản phẩm từ dừa để quảng bá với khách hàng. Ảnh: H.Hiệp

Phát huy hiệu quả

Tổng vốn KC đã hỗ trợ trên 2,81 tỷ đồng, huy động nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp (DN) gần 9,58 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, các DN đầu tư máy móc, thiết bị mở rộng phát triển sản xuất bao gồm các nhóm ngành: chế biến các sản phẩm từ dừa (9 đề án), cơ khí - sửa chữa tàu biển (4 đề án); may mặc (2 đề án); phân bón (1 đề án); chế biến thực phẩm (1 đề án), ngành nghề khác (1 đề án). Giải quyết việc làm cho khoảng 677 lao động, với mức lương trung bình khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Trong đó, nguồn vốn KC quốc gia hỗ trợ 5 đề án, với kinh phí 975 triệu đồng hỗ trợ các DN đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa. Qua kiểm tra, các đơn vị sản xuất, kinh doanh ổn định, công suất, sản lượng đều tăng, đạt hiệu quả của đề án, ứng dụng có hiệu quả máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, đóng góp vào sự phát triển ngành dừa tại địa phương.

Nguồn vốn KC tỉnh hỗ trợ 13 đề án, tổng kinh phí hỗ trợ 1,84 tỷ đồng, thu hút vốn đối ứng của DN 5,65 tỷ đồng. Trong đó, có 12 đơn vị đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất và 1 đơn vị đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Qua kiểm tra, các đơn vị hoạt động ổn định, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, giải quyết tốt việc làm cho lao động tại địa phương, chất lượng sản phẩm được nâng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các đơn vị được hỗ trợ đã phát huy được hiệu quả của nguồn vốn KC, có nhu cầu tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.

Hoạt động KC năm 2018 tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển ngành chế biến dừa của tỉnh (8/18 đề án) như: chỉ xơ dừa - mụn dừa, mỹ phẩm dừa, thạch dừa, kẹo dừa; hỗ trợ các ngành may mặc, ngành cơ khí, sửa chữa tàu biển, đã góp phần giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, góp phần hỗ trợ công nghiệp nông thôn phát triển.

Tăng cường công tác kiểm tra

Qua kiểm tra, các thiết bị hỗ trợ đầu tư đang vận hành tốt, được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Có 5/18 đơn vị sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao, có định hướng tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị mới trong sản xuất và có nhu cầu được hỗ trợ vốn KC trong thời gian tới.

Tuy nhiên hiện nay, đa số cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nên còn chậm đổi mới ứng dụng máy móc, thiết bị; phương thức sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, khó khăn trong việc khuyến khích đầu tư cải tiến công nghệ, ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất. Một số đơn vị hoạt động sản xuất chưa đạt hiệu quả cao, do ảnh hưởng của thị trường, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh.

Qua đợt kiểm tra đánh giá hiệu quả các đề án KC đã hỗ trợ, đoàn kiểm tra cũng có đề xuất, kiến nghị như hàng năm cần tổ chức khảo sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả các đề án sau khi hỗ trợ và thường xuyên theo dõi các cơ sở, DN trong thời gian thực hiện hợp đồng đề án, nhằm đảm bảo việc sử dụng vốn KC đúng mục đích, có hiệu quả. Trường hợp các cơ sở, DN ngừng hoạt động hoặc sử dụng thiết bị hỗ trợ đầu tư không đúng mục đích của đề án phải có báo cáo, đề xuất hướng xử lý. Phổ biến sâu rộng chính sách KC đến các đơn vị, DN trong tỉnh để khuyến khích các đơn vị sản xuất đầu tư ứng dụng đổi mới máy móc, thiết bị tiên tiến, thụ hưởng từ các chính sách KC.

Hàng năm, Trung tâm KC và Tư vấn phát triển công nghiệp cần tích cực phối hợp với các địa phương trong việc lựa chọn những đề án để hỗ trợ vốn KC. Lưu ý lựa chọn những đề án thật sự có nhu cầu, có trọng tâm, hoạt động có hiệu quả, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.

C. Thương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN