|
Thành viên tổ hợp tác sản xuất nhãn tại Long Hòa hội thảo đầu bờ. |
Những năm gần đây, nông dân Long Hòa (Bình Đại) đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật trên cây trồng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP giúp giảm chi phí đầu tư, tăng sản lượng, đem lại hiệu quả kinh tế.
Long Hòa có 310ha đất trồng nhãn, có 47ha được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Việc thực hiện sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP tạo cho người dân thói quen sản xuất khoa học, cây trồng có năng suất, đạt hiệu quả kinh tế. Từ khi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nông dân luôn tuân thủ các quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, thường xuyên kiểm tra ghi chép sổ tay sản xuất để có biện pháp hỗ trợ kịp thời từ giai đoạn khoanh vỏ đến khi thu hoạch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Vũ Thanh ở ấp Long Thạnh - thành viên của Tổ hợp tác chia sẻ: Trước đây, người dân trồng trọt theo kiểu truyền thống, tốn kém nhiều nhưng sản lượng không cao. Từ khi ứng dụng khoa học kỹ thuật trên cây nhãn, chi phí đầu tư giảm 20-25%, sản lượng tăng 15% so với trước đó. Gia đình ông Thanh có 1,2 công đất trồng nhãn, mỗi năm trồng một vụ nhãn trừ đi chi phí, ông thu lãi trên 30 triệu đồng. Gần đó, ông Trần Văn Tài, ấp Long Thành vui mừng cho biết, nắm được sự phát triển của nhãn, kết hợp với việc ghi chép nhật ký sản xuất rất thuận tiện trong quá trình bón phân, phun thuốc. Đúng thuốc, đúng bệnh, đúng thời điểm giúp cho nhãn phát triển tốt, giảm chi phí sản xuất, năng suất đạt yêu cầu. Trung bình một năm sản xuất 6 công nhãn, ông Tài đạt 12 tấn, với giá bán 17 ngàn đồng/ ký, trừ chi phí còn lãi 30 triệu đồng.
“Hiện nay, các vườn nhãn tại Long Hòa đang giai đoạn khoanh vỏ làm bông, chuẩn bị một vụ sản xuất mới. Với số lượng bông hiện tại, thời tiết thuận lợi, sau 5 tháng ước tính mỗi hộ dân thu hoạch từ 1,7-2 tấn/công”- ông Tài nói thêm. Ông Lê Xuân Vinh - Phó Chủ tịch xã Long Hòa cho biết, trên thực tế nhiều năm qua, mô hình sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, nhưng mô hình chưa nhân rộng do một số hộ còn tập quán sản xuất cũ, người dân còn rất lo lắng về đầu ra cho sản phẩm và giá cả chưa ổn định, còn lệ thuộc nhiều vào thương lái. Hiện tại, người dân vẫn tự tìm kiếm thương lái tiêu thụ sản phẩm hoặc bán ra các xã, khu vực lân cận. Địa phương tiếp tục cùng người dân phấn đấu đăng ký thành công thương hiệu nhãn Long Hòa có chất lượng an toàn, góp phần thúc đẩy việc mua bán, có lãi cho người sản xuất.
Tổ hợp tác sản xuất nhãn Long Hòa được thành lập năm 2009. Có 47ha được công nhận tiêu chuẩn VietGAP. Hàng năm, Tổ hợp tác được Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Qua đó, người dân nâng cao kiến thức trong quá trình trồng trọt, xóa dần tập quán sản xuất kiểu cũ tốn công, tốn chi phí mà hiệu quả không cao. |