Tổ hợp tác bắt đầu hoạt động từ vụ Đông - Xuân năm 2011, sản xuất lúa giống trên diện tích 8ha, sản lượng đạt từ 4,5 đến 5 tấn/ha, đã cung cấp cho 2/3 nông dân trong xã và các xã lân cận.
Vụ Hè - Thu năm 2012, Tổ đã kết nạp thêm 6 thành viên mới, nâng tổng số lên 20 thành viên với diện tích đất sản xuất trong tổ là 12ha. Do được Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành hỗ trợ về giống và tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất hiệu quả, nên vụ Hè - Thu năm 2012, các thành viên trong Tổ đều đạt năng suất khá cao từ 5 đến 5,5 tấn/ha, cao hơn những hộ sản xuất bên ngoài từ 0,5 đến 1 tấn/ha, giá bán cao hơn từ 500 đến 1.000đ/kg, lợi nhuận trung bình từ 20 đến 25 triệu đồng/ha.
Vụ Đông - Xuân 2012, Tổ đã kết nạp thêm 10 thành viên mới, nâng tổng số lên 30 thành viên, với diện tích đất sản xuất trên 20ha.
Ở vụ Thu - Đông 2013, các thành viên trong Tổ đã thực hiện trên 30ha giống lúa Nhỏ Hương, áp dụng mô hình 3 tăng 3 giảm, đồng thời tạo mối liên kết sản xuất trong nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu qủa kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, từng bước đưa thương hiệu gạo thơm đặc sản nhỏ hương của huyện nhà vào thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân trồng lúa. Nhờ áp dụng đúng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cây lúa Nhỏ Hương sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 4,5 tấn/ha,với giá bán từ 8.300đ đến 9.000đ/kg, trừ các khoản chi phí, nông dân còn lãi trên 25 triệu đồng/ha.
Sau thu hoạch giống lúa Nhỏ Hương, hiện nay, các thành viên trong Tổ tiến hành vệ sinh đồng ruộng, gieo sạ lại vụ Đông - Xuân 2014, với diện tích 30ha, gồm các loại giống như OM 4900, OM 8923, OM 9915 để chuẩn bị chọn lựa ra nguồn giống tốt phục vụ cho sản xuất vụ Hè - Thu 2014.
Ấp An Điền, xã An Điền, có 2 tổ sản xuất lúa theo hướng VietGAP, với trên 50 thành viên tham gia, trong đó Tổ số 1 được thành lập đã 3 năm. Lúc đầu, tổ này có 20 thành viên, nay đã tăng lên 30 thành viên, khi tham gia vào tổ sản xuất lúa theo hướng VietGAP, các thành viên trong tổ được tập huấn các kiến thức về sản xuất theo mô hình 3 tăng 3 giảm. Trước đây, các thành viên trong tổ chỉ sử dụng giống lúa mùa địa phương, thời gian sinh trưởng kéo dài từ 130 đến 150 ngày, trong lúc lúa trổ bị ảnh hưởng nước mặn, cây lúa cho năng suất không cao, lại còn phải tốn 1 phần chi phi nhổ mạ và cấy. Nay chuyển qua gieo sạ các giống lúa trung vụ, thời gian sinh trưởng từ 100 đến 115 ngày, sản xuất các giống lúa này vừa giảm chi phí nhổ mạ, cấy, cây lúa lại cho năng suất cao. Đồng thời, nông dân còn tự khống chế được dịch bệnh bằng cách đưa nước lên cao hoặc xuống thấp tùy theo sự phát triển của cây lúa ở từng giai đoạn.
Khi vào tổ hợp tác sản xuất, nông dân xuống giống đồng loạt. 3 loại giống mà nông dân sử dụng ở vụ mùa này là OM 4900, OM 6162 và OM 6976, năng suất đạt trên 6 tấn/ha. Nhờ sản xuất đồng loạt nên khi thu hoạch, thương lái đến tận ruộng để mua, với giá bán từ 6.500đ đến 6.900 đ/kg lúa tươi. Trong quá trình thu hoạch, các thành viên trong tổ thực hiện công việc vần đổi công để cắt và vận chuyển lúa lên bờ suốt, thay vì trước đây sau khi cắt lúa xong nông dân chuyển lúa bằng ghe mất nhiều công sức.
Thấy được hiệu quả từ mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP, lúa ít tốn phân bón và sử dụng thuốc hóa học vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất, cây lúa cho năng suất, chất lượng cao, nên có rất nhiều hộ muốn xin vào tổ sản xuất. Dự kiến tới đây Tổ sẽ kết nạp thêm thành viên mới, nhằm giúp cho họ có thêm nhiều kiến thức để sản xuất, dần dần giúp nông dân trên địa bàn xã loại bỏ các giống lúa mùa kém hiệu quả, thay vào đó là sản xuất những giống lúa trung vụ để đạt năng suất, chất lượng cao.
Với những kết quả đạt được từ các tổ hợp tác trong thời gian qua, huyện sẽ tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất và thành lập nhiều tổ hợp tác để giúp nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm và dễ dàng tìm đầu ra tiêu thụ, mang đến lợi nhuận cao hơn trước đây. Việc hình thành tổ hợp tác hoạt động hiệu quả còn góp phần cùng địa phương xây dựng thành công tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới.