Thạnh Phú được chọn làm nơi triển khai thí điểm hoạt động mô hình nhóm tín dụng - tiết kiệm lồng ghép truyền thông dân số, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới (DS/SKSS/BĐG), dưới sự chỉ đạo trực tiếp về kỹ thuật của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, quản lý của Ban quản lý tiểu Dự án UNFPA tỉnh.

Nhờ nguồn vốn tín dụng của các tổ chức phi chính phủ, nhiều phụ nữ trong tỉnh đã có điều kiện phát triển nghề thủ công tại địa phương.
Ảnh: T.LONG
Đây là huyện vùng sâu của tỉnh, có dân số trên 143 ngàn người, trong đó nữ giới khoảng 76,8 ngàn người, chiếm tỷ lệ trên 53,6%. So với các huyện khác, đời sống của người dân Thạnh Phú còn gặp nhiều khó khăn về vật chất lẫn tinh thần. Năm 2007, huyện có 7.258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 23,03%, trong đó có 2.595 phụ nữ nghèo làm chủ hộ, chiếm tỷ lệ 35,58%. Kinh tế khó khăn là một rào cản lớn đối với phụ nữ trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS, đồng thời là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa trong độ tuổi sinh sản cao (45,41%).
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, Trưởng Ban quản lý tiểu Dự án UNFPA cho biết: Năm 2007, mô hình lồng ghép nhóm tín dụng - tiết kiệm và truyền thông DS/SKSS/BĐG được triển khai tại 5 xã điểm của huyện Thạnh Phú: Phú Khánh, Mỹ Hưng, An Thạnh, An Qui, Bình Thạnh, với 40 nhóm, 989 thành viên. Từ năm 2009 đến nay, 100% xã trên địa bàn huyện đã tiếp cận được Dự án với 71 nhóm, 2.395 thành viên, trong đó phụ nữ chiếm 90% (85% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản), có tuổi thấp nhất là 18 và cao nhất là 55. Thời gian đầu, mô hình tập trung thực hiện nội dung hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Sau đó, thông qua các buổi sinh hoạt nhóm hàng tháng tại các tổ, nhóm tín dụng tiết kiệm, mô hình tiến hành truyền thông lồng ghép nhiều nội dung liên quan đến DS/SKSS/BĐG, như: kiến thức làm mẹ an toàn, BĐG trong chăm sóc SKSS cho người trong độ tuổi sinh sản, vị thành niên, kế hoạch hóa gia đình, quyền sinh sản và tình dục, cách phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn, cách phòng ngừa nhiễm khuẩn đường sinh sản, nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, phòng chống bạo lực gia đình, HIV/AIDS, các kiến thức cơ bản về tín dụng tiết kiệm... Do tuyên truyền bằng nhiều hình thức như thảo luận nhóm kết hợp sử dụng băng đĩa, tờ bướm, tờ rơi, tiểu phẩm, hái hoa dân chủ, thảo luận..., nên mô hình đã mang lại hiệu quả rất lớn. Qua đó, đã góp phần nâng cao kiến thức, chuyển đổi hành vi về các vấn đề DS/SKSS/BĐG tại địa phương, giúp địa phương thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, giúp cho Hội Phụ nữ cơ sở thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ, tập hợp chị em trong giới xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Cụ thể, mô hình đã cung cấp kiến thức kỹ năng quản lý nhóm, trang bị kiến thức cơ bản cho cán bộ quản lý tiểu dự án, chị em chi hội cơ sở về chăm sóc SKSS, chăm sóc nuôi dạy con tốt, phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường sinh sản, bạo lực gia đình, nắm vững các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các kiến thức trong xây dựng đời sống như: tổ thu chi hợp lý, thực hiện vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng các tiêu chí gia đình văn hóa, xã văn hóa. Đặc biệt, mô hình đã tác động tích cực đến đời sống vật chất lẫn tinh thần của phụ nữ nghèo. Toàn huyện hiện có 2.395 thành viên được vay vốn từ Dự án để phát triển kinh tế gia đình, với tổng số tiền là 16 tỷ đồng. Ngoài ra, mô hình còn huy động tiết kiệm được 420 triệu đồng để giúp cho 125 phụ nữ nghèo vay vốn sản xuất. Nhờ vậy, có 396 phụ nữ thoát nghèo, 116 chị có mức sống ổn định và 273 học sinh có nguy cơ bỏ học trở lại trường, góp phần kéo tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của huyện giảm từ 2-3%.
Có gần 2,4 ngàn thành viên được vay vốn từ Dự án để phát triển kinh tế gia đình, với tổng số tiền là 16 tỷ đồng. |
Mô hình đã tác động mạnh đến nhận thức và chuyển đổi hành vi của người thân trong gia đình và cộng đồng xã hội. Phụ nữ ngày càng quan tâm chăm sóc sức khỏe bản thân và các thành viên trong gia đình. Trong 5 năm qua, đã có hơn 21 ngàn lượt phụ nữ đến khám phụ khoa tại cơ sở y tế. Qua đó đã phát hiện hơn 2 ngàn chị mắc bệnh được điều trị khỏi bệnh; hơn 15/16 ngàn bà mẹ có con từ 0-16 tuổi được nâng cao kiến thức về nuôi con khỏe, đạt tỷ lệ 96,68%; hơn 9 ngàn/9,1 ngàn bà mẹ có con từ 0-5 tuổi được học kiến thức về làm mẹ an toàn, nuôi con theo phương pháp khoa học, đạt tỷ lệ 99%. Do thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ tốt nên tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa của huyện giảm còn 20,38%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, tình trạng tảo hôn và nạo phá thai, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 giảm đáng kể. Nam giới cũng tích cực tham gia đi khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, chia sẻ với vợ việc chăm sóc và nuôi dạy con cái, sống hòa thuận, không còn bạo lực gia đình như trước. Các tập quán, thói quen có hại cho SKSS trước đây đã được xóa bỏ, giúp địa phương giải quyết nhiều vấn đề xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể nói, mô hình lồng ghép tín dụng - tiết kiệm và truyền thông DS/SKSS/BĐG thực hiện ở Thạnh Phú 5 năm qua đã đem lại hiệu quả trên nhiều mặt. Trong thời gian tới, khi Dự án UNFPA kết thúc, Hội LHPN tỉnh vẫn tiếp tục duy trì mô hình này với sự điều hành của đội ngũ ban quản lý nhóm đã được trang bị kiến thức, kỹ năng từ Dự án trong thời gian qua. Hội sẽ kết hợp với các ngành, đặc biệt là các nguồn vốn vay mà Hội LHPN tỉnh đang liên kết để vừa duy trì, vừa mở rộng mô hình theo khả năng của Hội, giúp các tổ, nhóm tín dụng tiếp tục hoạt động hiệu quả.