
Chị Phạm Thị Loan, ngụ Ấp 8, xã An Đức, huyện Ba Tri (bìa phải) đến trả vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tất cả vì tương lai của con
Hành trình nuôi con vào giảng đường đại học là một chọn lựa đầy hy vọng của những gia đình nghèo. Gia đình mong muốn con cái mình có được học vấn, níu lấy con chữ mà đổi đời, không lam lũ như đời cha mẹ đã đi qua.
Chị Nguyễn Thị Thể, ngụ ấp Giồng Chi, xã An Hiệp (Ba Tri) đến trụ sở xã để được giải ngân số tiền 40 triệu đồng mà chị chờ đợi để đóng tiền học cho con trai Lê Thanh Ngọc, đang học ngành Cơ khí ô tô năm thứ 3 tại một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Chị Thể nhiều năm ròng sống cực khổ vì 3 mặt con, đến một ngày vì không chịu nổi bạo hành gia đình, chị Thể ly hôn và gửi con cho mẹ ruột để lên TP. Hồ Chí Minh giúp việc nhà. 3 năm sau, con trai út được 7 tuổi, chị Thể đem con trai lên mướn nhà trọ ở cùng để tiện bề chăm nom, dạy dỗ. Sau đó, chị lần lượt đón 2 con gái lớn. “Mười mấy năm qua, khi đem 3 con nhỏ lên TP. Hồ Chí Minh, tôi thường xuyên chỉ ngủ 2 - 3 tiếng một ngày, vừa chăm con vừa đi làm kiếm tiền nuôi con. Hiện tại, một ngày tôi làm 2 công việc, sáng bán trứng chạy chợ, chiều tối đi phụ quán ăn. Niềm vui lớn nhất của tôi là các con ham học, học đến nơi”, chị Nguyễn Thị Thể chia sẻ.
Con gái lớn của chị Thể đi làm phụ mẹ. Con gái thứ Lê Thị Thanh Ngân vừa tốt nghiệp Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch ngành Gây mê hồi sức và đã đi làm được 6 tháng. “Cha tôi chỉ cho tôi học tới lớp 10 rồi bắt nghỉ học. Vì ông nói con gái cần học chi nhiều. Đến đời tôi, tôi tìm đủ mọi cách để cho con đi học, mong con có chữ, nghề nghiệp ổn định. May nhờ có nguồn vốn vay cho sinh viên, tôi mới cho con gái lớn đi học đến nơi đến chốn, rồi nay đến con trai...”, chị Thể kể.
Các con của chị Thể đều ngoan, học giỏi. Thầy cô thương cảnh trò nghèo ham học mà miễn hết học phí ở trường. Ước mơ cháy bỏng vào giảng đường ngành Y của Lê Thị Thanh Ngân hình thành ngày còn nhỏ, khi cô bé thấm thía cảnh bà ngoại nhà nghèo phải nằm viện, thiếu thốn trăm bề. Thanh Ngân và Thanh Ngọc thương mẹ quá vất vả nên các em đã chịu khó học hành, không ham chơi, động lực từ cảnh nghèo đã đẩy bà mẹ đơn thân vượt lên chính mình, thôi thúc con trẻ học hành.
Tại xã An Đức, huyện Ba Tri, chị Trần Ngọc Diễm Khanh cũng đến xã chờ giải ngân vốn vay cho con gái đang học năm 3 Đại học Tôn Đức Thắng. Con gái chị đang mong tiền mẹ gửi lên để đóng học phí, tiền học tiếng Anh. “Tôi rong ruổi hàng ngày khắp trong và ngoài xã để bán hàng khô. Chồng thì làm nông, vất vả suốt mà không lo nổi cho con đi học. Con gái ngày lễ, hè đều không về quê, mà vừa làm vừa học. Cháu kiếm thêm tiền ăn vì cha mẹ gửi không đủ trang trải, nói chi tới học phí. Không có đồng vốn vay cho sinh viên, tôi đã không thể cho con đi học”, chị Diễm Khanh nói.
Giải ngân thêm 50 tỷ đồng
Phó giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Ngô Thị Thanh Tâm cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng CSXH đã giải ngân cho 743 sinh viên, số tiền 48,9 tỷ đồng. Dự kiến đợt nhập học này, giải ngân thêm 50 tỷ đồng. Huyện Mỏ Cày Nam là địa phương có số hộ vay cho con em đi học nhiều nhất tỉnh, với 1.113 hộ, dư nợ trên 42,6 tỷ đồng”.
Đối tượng được vay vốn là HS, SV có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm: HS, SV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động. HS, SV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo quy định của pháp luật. HS, SV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú. Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học, học nghề trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp của các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở đào tạo nghề khác theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ và một số đối tượng khác.
Phương thức cho vay, đối với HS, SV vay vốn thông qua hộ gia đình, cho vay ủy thác qua hội, đoàn thể. Đối với HS, SV mồ côi được vay vốn trực tiếp tại Ngân hàng CSXH nơi địa bàn nhà trường đóng trụ sở. Mức cho vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/HS, SV (40 triệu đồng/năm học). Lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quy định từng thời kỳ. HS, SV nhận tiền vay tại thời điểm nào thì hưởng lãi suất cho vay thông báo tại thời điểm đó. Hiện nay, lãi suất cho vay là 6,6%/năm. Lãi suất nợ quá hạn, bằng 130% lãi suất cho vay.
“Xã An Đức là một trong 3 xã khó khăn về kinh tế của huyện Ba Tri. Đời sống người dân ở xã, nhất là người dân làm nông nghiệp thời gian gần đây ngày càng eo hẹp do giá cả nông sản thấp. Những hộ nghèo, lại phải nuôi con ăn học lâm vào cảnh túng ngặt. Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiện cho các em HS, SV đi học an tâm hơn, hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình và đỡ phần nào lo lắng cho gia đình các em. Đồng vốn vay này rất ý nghĩa, giúp các em vững bước trên con đường học hành, thành công dân hữu ích, chăm lo lại cho gia đình và có thể giúp đỡ cho quê hương”.
(Chủ tịch UBND xã An Đức, huyện Ba Tri Nguyễn Văn Sang)
|
Bài, ảnh: Thạch Thảo