Hỗ trợ doanh nghiệp, hộ cá thể tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh

11/06/2012 - 06:49

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với một số sở ngành tỉnh, các huyện, thành phố vừa có chuyến khảo sát 26 doanh nghiệp, 407 hộ sản xuất kinh doanh cá thể trong tỉnh để có kế hoạch, giải pháp hỗ trợ.

Thêu xuất khẩu ở DNTN Hiệp Thành (xã Bảo Thuận - Ba Tri). 

 

Từ đầu năm đến nay, Sở Kế hoạch Đầu tư đã tổ chức cấp giấy phép mới cho 41 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 177 tỷ đồng, cấp giấy phép mở chi nhánh cho 35 doanh nghiệp, tăng 11% so cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp, hộ cá thể được quan tâm hỗ trợ như chính sách ưu đãi đầu tư, miễn giảm, gia hạn nộp thuế, tập huấn nhiều chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư nhằm nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp (cung ứng cây con giống, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản), công nghiệp (như cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, than hoạt tính, bánh kẹo, hàng may mặc), nhất là xuất khẩu và bán lẻ tăng khá so cùng kỳ. Tuy nhiên, do tác động của thị trường, thời tiết... nên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất cá thể còn gặp khó khăn. Sản lượng dừa trái thế giới tăng mạnh, giá xuất khẩu các sản phẩm như chỉ xơ dừa, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, than thiêu kết bắt đầu giảm, kéo theo giá dừa trái Bến Tre giảm đáng kể. Các doanh nghiệp kinh doanh ngành thủy sản, chế biến, đánh bắt, nuôi trồng... luôn gặp khó khăn do thời tiết không thuận lợi, môi trường, giống chưa được kiểm soát chặt chẽ nên dịch bệnh phát sinh, giá cả không ổn định. Các doanh nghiệp ngành xây dựng do ảnh hưởng chung của việc thắt chặt tín dụng nhà, đất nên hàng tồn kho nhiều, hoạt động cầm chừng hoặc giải thể. Ngành may mặc tuy có thuận lợi hơn, duy trì được nhịp độ tăng trưởng nhưng gặp khó khăn trong tuyển lao động, do lương thấp, công nhân chuyển sang nghề khác có thu nhập cao hơn. Các doanh nghiệp, hộ cá thể hoạt động trên lĩnh vực thương mại giảm so cùng kỳ, chủ yếu do giá xăng dầu tăng, lãi suất ngân hàng cao, khó tiếp cập vốn vay...

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hòa Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ cá thể được duy trì, có phát triển nhưng khó khăn nhiều hơn, nhất là các ngành chế biến dừa, nuôi cá da trơn. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường không ổn định, nguyên liệu đầu vào tăng, doanh nghiệp chưa tự chủ được nguồn vốn tự có, còn phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng. Việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường còn yếu, nhất là các sản phẩm chủ lực. Nhiều doanh nghiệp, hộ cá thể phải tạm thu hẹp sản xuất kinh doanh, nợ tồn đọng thuế của doanh nghiệp toàn tỉnh từ đầu năm đến nay là 73,16 tỷ đồng, tăng 33,37% so cùng kỳ.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ cá thể phát triển sản xuất kinh doanh, đoàn khảo sát đề ra một số giải pháp: nên tổ chức mạng lưới thu mua hàng trực tiếp từ nông dân, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, nhất là các mặt hàng chế biến từ dừa; triển khai thực hiện tốt qui định lãi suất cho vay, thủ tục cho vay để doanh nghiệp, hộ cá thể tiếp cận được vốn vay. Tạo sự liên kết liên doanh, hợp tác giữa các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cá thể với nông dân. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Dừa, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Nghề cá. Các doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất các mặt hàng mới, sản phẩm tinh từ dừa, giảm nhanh sản phẩm thô. Triển khai và nhân rộng mô hình trồng xen, nuôi xen để tăng thu nhập. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nuôi thủy sản khép kín.

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN