Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh

21/12/2020 - 06:51

BDK - Trong năm 2020, tình hình xâm nhập mặn và dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh thành lập mới 553 DN, chỉ đạt 79% kế hoạch. Trong khi đó, số lượng DN giải thể, ngưng hoạt động lại tăng. Đây là vấn đề nổi lên trong năm và được tập trung thảo luận, chất vấn để bàn sâu về giải pháp tại Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra vào đầu tháng 12-2020.

Khách hàng thích thú với các sản phẩm từ dừa tại Siêu thị Dừa Bến Tre.

Khách hàng thích thú với các sản phẩm từ dừa tại Siêu thị Dừa Bến Tre.

Ảnh hưởng do dịch Covid-19

Theo đánh giá của cộng đồng DN, trên 80% DN đang chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chỉ có khoảng 3% DN nhận được ảnh hưởng tích cực từ đại dịch, các DN này hoạt động trong những ngành như bảo hiểm, y tế, bưu chính và chuyển phát... Doanh thu của khu vực DN giảm, quy mô DN càng nhỏ, càng dễ bị tổn thương bởi đại dịch. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, cả nội địa và xuất khẩu đều gặp khó khăn. Thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào và nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh bị thiếu hụt.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, bên cạnh số DN thành lập ít hơn so với kế hoạch là số lượng DN giải thể, ngưng hoạt động lại tăng. Cụ thể, có 119 DN, 99 đơn vị trực thuộc thực hiện thủ tục giải thể, bằng 91,5% so với cùng kỳ. 161 DN và 47 đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động, tăng trên 33% so với cùng kỳ.

Trước những khó khăn này, các DN đề xuất các cơ quan chức năng tỉnh cần tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục hành chính để DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN tiếp cận kênh thông tin về xuất nhập khẩu, nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào, tránh phụ thuộc vào một thị trường và thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ DN đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử…

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành ngân hàng cần tích cực đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng DN bằng các giải pháp thiết thực, như: cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay; chủ động cân đối nguồn vốn bảo đảm cho vay mới để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ phát triển DN.

Phó giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Bến Tre Vũ Thanh Hải cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ DN, như: điều hành lãi suất linh hoạt, hạ lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí; linh hoạt thực hiện chính sách, ưu đãi tín dụng tại các ngân hàng thương mại, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng. Nhanh chóng sửa đổi Thông tư số 01 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với tình hình dịch bệnh trong giai đoạn mới. Giảm lãi suất vay vốn và giãn nợ đối với các khoản vay hiện hữu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Xây dựng khung chuẩn mực áp dụng chung cho khối ngân hàng về việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thống nhất tiêu chí xác định biên độ giảm lãi, quy trình thẩm định và xét duyệt.

Hướng tới, các ngân hàng thương mại tiếp tục đẩy mạnh các gói tín dụng có lãi suất ưu đãi, tập trung vốn tín dụng cho các DN có tình hình tài chính tốt, khả năng phục hồi cao sau thiên tai, dịch bệnh. Cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn hồ sơ vay vốn để tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho các DN.

Để khắc phục khó khăn, DN cần linh hoạt, sáng tạo chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong giai đoạn cả nước và toàn cầu vẫn đang phải gánh chịu tác động của dịch bệnh. Kiểm soát tốt dòng tiền và vốn luân chuyển để duy trì thanh khoản, tinh gọn quy trình, tối ưu hóa chi phí, cắt giảm các khoản đầu tư kém hiệu quả, phát huy tiềm năng của nhân viên. Tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt các công nghệ lõi có tính tiên phong.

“Tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ, tiến tới nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”, ông Vũ Thanh Hải nhấn mạnh.

Thành lập quỹ hỗ trợ

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho biết: “Dự kiến năm tới, tỉnh sẽ dành 100 tỷ đồng thành lập quỹ hỗ trợ vốn cho các DN phát triển có phương án sản xuất tốt nhưng thiếu vốn…”. Đây được xem là thông tin mới, mang lại phấn khởi cho cộng đồng DN tỉnh nhà, cũng như thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, DN luôn được xếp vị trí hàng đầu.

Giải pháp quan trọng trước hết là cần sự linh hoạt, năng động và sáng tạo của mỗi DN. Điển hình như trong bối cảnh phát triển DN của tỉnh năm 2020 không đạt chỉ tiêu đề ra, số DN giải thể, ngưng hoạt động nhiều hơn năm 2019… nhưng có nhiều DN năng động, phát triển tốt hơn so với bình thường. Cụ thể, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu… Hay với các DN may mặc chuyển từ các mặt hàng truyền thống sang mặt hàng khẩu trang xuất khẩu, đảm bảo việc làm và thu nhập cho công nhân lao động.

Giám đốc Sở Công Thương Châu Văn Bình cho rằng, trước tình hình hết sức khó khăn, đòi hỏi các DN thay đổi mô hình hoạt động sản xuất, kinh doanh cho phù hợp thực tế. Các sở, ngành cũng thay đổi quản lý, hỗ trợ DN, trong đó, Sở Công Thương bằng phương pháp trực tiếp và gián tiếp đã nắm bắt thông tin DN kịp thời hơn. Đồng thời, chuyển tải thông tin mới về thị trường, hỗ trợ theo đề xuất của DN nhiều hơn. Hỗ trợ DN kết nối cung cầu nhiều hơn và tham gia các lớp tập huấn về kinh doanh thương mại điện tử bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến… Hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu trực tuyến cho DN, hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, kết nối hiệu quả với Alibaba, Lazada, Tiki…

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN