Tổ chức Công đoàn dự kiến chăm lo 8.400 người lao động khó khăn trên địa bàn tỉnh, với chi phí trên 4 tỷ đồng.
Chăm lo người lao động
Ông Lê Tuấn Kiệt - Phó trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh cho hay, hiện đã có một số DN trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu thưởng Tết cho công nhân để nghỉ Tết Nguyên đán sớm hơn mọi năm. Điển hình tại Công ty TNHH Công nghiệp Sigma Việt Nam có 800 công nhân chia làm 2 đợt nghỉ Tết vào ngày 17 và 20-1-2023. Tại cuộc họp mặt thưởng Tết của công ty, Công đoàn các KCN đã thực hiện trợ cấp khó khăn cho 361 NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất 500 ngàn đồng. Được biết, công ty có kế hoạch tặng thưởng cho công nhân ưu tú trước khi nghỉ Tết.
Ông Nguyễn Thành Tâm - Phó trưởng ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết: LĐLĐ tỉnh đang tích cực phối hợp với một số ngành liên quan để nắm lại những thông tin liên quan DN, tình hình tiền lương, bảo hiểm, thưởng Tết, các chế độ, chính sách để chăm lo NLĐ dịp Tết. Đồng thời, rà soát lại tất cả các DN trước tình hình nhiều DN đang cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm để báo cáo nhanh tình hình cho Tổng LĐLĐ Việt Nam và UBND tỉnh kịp thời nắm bắt nguyên nhân, đề xuất giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.
“Công đoàn sẽ thực hiện công tác chăm lo 10% trong tổng số đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo. Dự kiến chăm lo 8.400 NLĐ khó khăn trên địa bàn tỉnh trong tổng số 84 ngàn lao động, với chi phí trên 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó sẽ xã hội hóa thêm để chăm lo NLĐ vào dịp Tết, bao gồm tiền, nhu yếu phẩm. Phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vận động Quỹ vì người nghèo để hỗ trợ công nhân lao động (CNLĐ) có hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo...”, ông Nguyễn Thành Tâm thông tin thêm.
Năm 2022, toàn tỉnh có 7 DN giảm giờ làm, cắt giảm lao động, trong đó nhiều nhất là Công ty TNHH Unisoll Vina (KCN Giao Long) cho chấm dứt hợp đồng lao động 1.870 người; Công ty TNHH Tỷ Thành, thị trấn Ba Tri cho 2.500 người giảm giờ làm.
Đến nay, số CNLĐ tạm hoãn hợp đồng, chấm dứt hợp đồng lao động tại các KCN, cụm công nghiệp là trên 2 ngàn người. Nguyên nhân do các công ty không ký được các đơn hàng chủ yếu ở các nước châu Âu nên phải thu hẹp sản xuất, tạm hoãn hợp đồng, hoặc đưa ra lộ trình không tiếp tục ký kết hợp đồng lao động đối với những NLĐ hết hạn hợp đồng.
Ông Nguyễn Thành Tâm cho hay: “Đối với các CNLĐ tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động, các DN thực hiện đúng quy định của pháp luật như thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của NLĐ, hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…”.
Theo dõi, nắm sát tình hình
Theo ông Nguyễn Thành Tâm - Phó trưởng ban Chính sách - Pháp luật, LĐLĐ tỉnh, mặc dù một số DN thực hiện cắt giảm giờ làm, giảm lao động nhưng tình hình biến động công đoàn viên là NLĐ theo từng địa bàn là không đáng kể do có sự dịch chuyển, điều tiết từ công ty này sang công ty khác.
Theo Cục Thống kê tỉnh, tỉnh đang theo dõi, nắm sát tình hình cắt giảm lao động, việc làm trong các DN. Do thiếu đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất nên có 4 DN có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện cắt giảm. Công ty TNHH Tỷ Thành giảm ngày làm việc trong tuần từ 6 ngày còn 4 ngày (từ thứ Hai đến thứ Năm). Đa phần các DN cắt giảm lao động, giảm giờ làm việc hoạt động trong lĩnh vực may mặc và giày da, ưu tiên cắt giảm NLĐ hết hạn hợp đồng lao động.
Cục Thống kê tỉnh ghi nhận các trường hợp NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động đều được DN thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách liên quan, giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho NLĐ bị cắt giảm. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi trên địa bàn tỉnh ước khoảng 2,05%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi trên địa bàn tỉnh ước khoảng 4,38%.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và các cấp, LĐLĐ tỉnh, Công đoàn các KCN tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời các công đoàn cơ sở thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng trong đoàn viên, CNLĐ, có nhiều biện pháp phối hợp với DN thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho CNLĐ, đặc biệt là đối tượng phải tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng.
Bên cạnh tình hình chung một số DN gặp khó khăn, cắt giảm đơn hàng, cắt giảm lao động, nhiều DN trong tỉnh đang có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, tuyển dụng thêm lao động. Không ít DN đang nôn nóng bức xúc về mặt bằng các cụm công nghiệp để xây dựng, mở rộng nhà xưởng.
Ông Mai Văn Nhiễm - Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK Dừa Hưng Long, huyện Mỏ Cày Nam cho biết: Hiện công ty đang sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng từ chỉ xơ dừa, nhiều nhất là loại thảm phủ đất nông nghiệp. Công ty nhận được rất nhiều đơn hàng lớn từ Hàn Quốc, Mỹ, Úc… Tuy nhiên trước quy mô sản xuất hiện nay, đơn vị chỉ đáp ứng được 80% đơn hàng tại Hàn Quốc. Vì thế, công ty có kế hoạch sẽ mở thêm nhiều vệ tinh vào năm 2023 để đáp ứng đơn hàng.
Theo ông Mai Văn Nhiễm, công ty có khoảng 500 công nhân, thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Dự định mở rộng sản xuất vào năm 2023, cần tuyển thêm 2 - 3 ngàn công nhân để đáp ứng nhu cầu thị trường. “Hiện công nhân đang đăng ký xin việc nhiều lắm nhưng chưa giải quyết được. Trước thấy tuyển làm chỉ xơ dừa, nhiều người không quan tâm tới nhưng khi nghe anh em công nhân làm việc tại công ty về kể lại, nhiều người trong xóm, trong xã đó đã hiểu và đang rất muốn xin vào làm. Số lượng công nhân bị sa thải từ các nơi về muốn xin vào làm từ khoảng 5 - 7 tháng nay”, ông Mai Văn Nhiễm cho hay.
Không chỉ DN tư nhân Hưng Long, nhiều DN tại các huyện, thành phố cũng đang có nhu cầu phát triển mở rộng công ty và tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, còn chờ đợi các khu, cụm công nghiệp triển khai.
Dự kiến ngày 24 tháng Chạp, LĐLĐ tỉnh sẽ tổ chức chương trình “Tết sum vầy, Xuân gắn kết năm 2023” để chăm lo cho đối tượng công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết, CNLĐ nghèo, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi suất quà gồm: 500 ngàn đồng tiền mặt và nhu yếu phẩm (trị giá 300 ngàn đồng), dự kiến sẽ tổ chức cho 500 CNLĐ. |
Bài, ảnh: Cẩm Trúc