Hỗ trợ sinh kế giúp người dân thoát nghèo bền vững

16/04/2018 - 07:07

BDK - Lấy nội lực của hộ gia đình làm nền tảng để phát triển bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước là một trong những phương châm của tỉnh nhằm thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững năm 2018 và những năm tiếp theo.

Trong năm 2018, thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề, làng nghề truyền thống tại 19 xã điểm thực hiện Đề án sinh kế sẽ được hỗ trợ lãi suất.

Trong năm 2018, thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề, làng nghề truyền thống tại 19 xã điểm thực hiện Đề án sinh kế sẽ được hỗ trợ lãi suất.         

Những kết quả đạt được của đề án

Đầu tháng 4-2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có báo cáo điểm lại những kết quả đạt được sau 2 năm thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Đề án sinh kế) và chương trình khởi nghiệp thoát nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Qua đó, nhằm cụ thể Chương trình hành động số 10 của Tỉnh ủy về Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Trong năm 2018, thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề, làng nghề truyền thống tại 19 xã điểm thực hiện Đề án sinh kế sẽ được hỗ trợ lãi suất.

Trong năm 2018, thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề, làng nghề truyền thống tại 19 xã điểm thực hiện Đề án sinh kế sẽ được hỗ trợ lãi suất.    

Việc triển khai Đề án sinh kế và chương trình khởi nghiệp thoát nghèo đã lan tỏa sâu rộng trong nhân dân qua các đợt truyền thông xuất khẩu lao động cho gần 14 ngàn học sinh ở các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; họp mặt đối thoại với trên 4,3 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo ghi nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các hộ tham gia thực hiện Đề án sinh kế và Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo yên tâm, tin tưởng vào chính sách hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo; được kết nối nguồn lực, giải ngân vốn hỗ trợ thực hiện các hoạt động sản xuất nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, dạy nghề, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, nhận thức về cách thức quản lý vốn, xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất của hộ được nâng lên.

Qua 2 năm triển khai Đề án sinh kế, toàn tỉnh có 11.879/15.858 hộ tham gia, trong đó chủ yếu là hộ nghèo. Kết quả, trên 10 ngàn lượt hộ đã được giải ngân vốn vay hỗ trợ với kinh phí hơn 10 tỷ đồng để sản xuất nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả. Ở hoạt động phi nông nghiệp, Đề án sinh kế xác định việc làm có thu nhập ổn định là giải pháp căn cơ nhất để giảm nghèo bền vững, nhờ đó nhiều người nghèo, cận nghèo đã được dạy nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Với 497 hộ tham gia Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo, 2 năm qua, nhìn chung, các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có chí thú làm ăn, vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn chưa thật sự ổn định về việc làm và thu nhập.

Đối với kết quả hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, 100% hộ nghèo được mua thẻ bảo hiểm y tế và miễn giảm học phí. Hàng ngàn hộ gia đình được hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất và hàng trăm hộ được hỗ trợ nhà ở, xây dựng hố xí hợp vệ sinh, dụng cụ chứa nước sạch…

Chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong năm 2018

Tháng 2-2018, UBND tỉnh đã ban hành văn bản gửi các sở, ban, ngành tỉnh đề nghị tập trung thực hiện Đề án sinh kế năm 2018 và những năm tiếp theo. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên ban chỉ đạo trong thực hiện Đề án sinh kế, nhất là ban chỉ đạo cấp xã phải nắm được hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng hộ nghèo để xây dựng kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo phù hợp.

Song song với việc giúp người nghèo phát huy nội lực, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước được xem như đòn bẩy để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổng hợp các hoạt động do các cơ quan nhà nước, tổ chức vận dụng các chính sách, nguồn vận động nhằm hỗ trợ 19 xã điểm thực hiện Đề án sinh kế, cụ thể: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ hỗ trợ trong công tác vận động xuất khẩu lao động, hỗ trợ nhà ở, học bổng; Hội Liên hiệp Phụ nữ giới thiệu việc làm, vốn vay phát triển sản xuất, kết nối - tìm đầu ra cho sản phẩm do phụ nữ làm ra; Hội Nông dân hỗ trợ phát triển sản xuất, tập huấn kỹ thuật. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị này sẽ hỗ trợ lãi suất cho thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề, làng nghề truyền thống tại 19 xã điểm thực hiện Đề án sinh kế (định mức tiền vay hỗ trợ lãi suất tối đa 100 triệu đồng/hộ/năm; định mức hỗ trợ lãi suất là 100% thực tế cho vay của ngân hàng) và 24,7 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Dự án AMD cũng vào cuộc để xây dựng 27 mô hình phát triển sản xuất, công trình hạ tầng, tập huấn kỹ thuật và dạy nghề cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy xác định năm 2018 là năm “tăng tốc” thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Bến Tre phấn đấu đến cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 7% (năm 2017, toàn tỉnh có 30.154 hộ nghèo, tỷ lệ 7,89%). 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đăng ký tham gia Đề án sinh kế để được tư vấn, hướng dẫn, kết nối hỗ trợ phát triển sản xuất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời, có ít nhất 7,2 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia Đề án sinh kế được thoát nghèo bền vững cuối năm 2018.

Bài, ảnh: Thảo Trần

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN