Hoa kiểng Tết giản dị vẫn “hốt bạc”

01/02/2019 - 07:01

Nhiều chủng loại hoa kiểng trồng dễ chăm sóc nhưng vẫn bán được giá vào dịp Tết. Ảnh: Triều Sinh

Nhiều chủng loại hoa kiểng trồng dễ chăm sóc nhưng vẫn bán được giá vào dịp Tết. Ảnh: Triều Sinh

Nhiều người dân ở huyện Chợ Lách vẫn kiếm được tiền triệu để vui Tết Kỷ Hợi 2019 nhờ chọn trồng những cây dễ chăm sóc, gần gũi với cuộc sống người phương Đông làm hoa kiểng Tết.

Nghệ nhân Trần Văn Thành, 78 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Thành đã bán gần hết 2.000 chậu kiểng “phồn thực”, gồm: cà nho Nhật Bản, ớt tím - xanh, ớt 4 màu, bầu hồ lô, mướp khía do chính tay ông trồng, chăm sóc từ khoảng 4 tháng qua.

“Cả đời tôi làm hoa kiểng, kiểng khó cỡ nào cũng làm được hết. Nhưng nay, tôi không còn sức khỏe mà dầm sương, phơi nắng để chăm sóc các loại như mai vàng, bonsai, hoa cúc... Nhưng, tôi nghỉ đâu có được vì mê nghề mà. Trồng kiểng Tết kiểu của tôi, chăm sóc đơn giản giống như trồng ngoài ruộng, vườn. Coi vậy chứ Tết này cũng kiếm hơn 100 triệu đồng đó chứ.” - nghệ nhân Trần Văn Thành chia sẻ.

Gần cầu nhà thờ Cái Mơn, ông Bùi Văn Chính, 47 tuổi, hàng ngày phải tất bật phụ vợ bán thức ăn sáng, cơm trưa nên ông chọn trồng cây lúa nếp và cây bắp lay trong gần 1.000 chậu. Số sản phẩm kiểng Tết của ông Chính đã được thương lái đặt mua, với giá bình quân 50 ngàn đồng/chậu từ tháng trước.

Theo chia sẻ của nhà vườn, giá bán kiểng “phồn thực” tại vườn ở huyện Chợ Lách khoảng 50 ngàn đồng/chậu đối với cà nho Nhật Bản, lúa nếp, bắp lay và 40 ngàn đồng/chậu là các sản phẩm còn lại như ớt, bầu, mướp… Với gía bán này, mỗi chậu kiểng đem về cho nhà vườn lợi nhuận từ 20 - 30 ngàn đồng/chậu.

Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Chợ Lách Trần Minh Mẫn cho biết, trong hơn 11 triệu sản phẩm hoa kiểng Tết Kỷ Hợi 2019 thì có 10% sản phẩm mang tín ngưỡng “phồn thực” của người phương Đông.

Vẫn theo ông Mẫn, cây lúa nếp, cây bắp lay chưng trong nhà ngày Tết với ý nghĩa cầu cho năm mới vụ mùa bội thu, làm ăn “chắc như bắp, no như lúa”. Còn các cây khác như: ớt, cà, bầu, mướp… được chưng ngày Tết với ý nghĩa trước hết là biểu đạt cho cuộc sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên. Sau đó, chủ nhà cũng có thể sử dụng chúng làm thực phẩm.

“Nói cho gần gũi hơn là kiểng loại đó chính là các cây trồng hết sức giản dị gần gũi với cuộc sống của người Việt Nam như cây lúa nếp, cây bắp lay (ngô), cây ớt, cây cà, gây bầu, dây mướp… Đặc điểm chung của chúng là dễ trồng, không cần tốn nhiều công sức chăm sóc tỉ mỉ như các loại hoa kiểng cầu kỳ. Vì vậy, một số hộ gia đình neo đơn, hoặc vì bận các công việc khác hàng ngày không có thời gian đã chọn trồng bán Tết” - ông Mẫn cho biết thêm.

Triều Sinh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN