Hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh

01/10/2021 - 06:13

BDK - Trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương về nông nghiệp (NN), nông dân và nông thôn, Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh, đến nay, ngành NN tỉnh đạt kết quả khả quan. Giá trị sản xuất khu vực kinh tế NN (khu vực 1) tăng trưởng bình quân 3,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 4,14 lần so với năm 2008, tạo đà thúc đẩy GRDP của tỉnh.

Mô hình trồng xen cam sành và bưởi da xanh.

Mô hình trồng xen cam sành và bưởi da xanh.

Hình thành chuỗi nông sản chủ lực

Đến nay, toàn tỉnh có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao được xây dựng, nhân rộng và phát huy hiệu quả tích cực như: mô hình trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa; trồng xen bưởi da xanh trong vườn dừa; thâm canh vườn dừa theo hướng hữu cơ; sản xuất lúa sạch huyện Thạnh Phú; nuôi luân canh tôm - lúa ở những vùng nhiễm mặn thấp; tôm càng xanh toàn đực trong vườn dừa; nuôi thâm canh tôm biển nhiều giai đoạn, nuôi bò sữa các huyện biển…, góp phần hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm NN chủ lực, tiêu biểu với trên 100 tổ hợp tác (THT), 58 hợp tác xã (HTX) tham gia.

Cụ thể, chuỗi dừa đã kết nối trên 12 ngàn ha, đạt 16,5% tổng diện tích dừa toàn tỉnh. Chuỗi bưởi da xanh đã liên kết, với diện tích ước khoảng 330ha. Các chuỗi con heo, con bò, tôm biển cũng đạt được kết quả nhất định, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp (DN).

Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Cù Văn Thành (Khu công nghiệp An Hiệp) cho biết, hiện công ty đã liên kết sản xuất trong nhân dân, với khoảng 5 ngàn ha. Công ty từng bước hỗ trợ kỹ thuật để giúp nông dân chuyển sang canh tác hữu cơ, nâng cao giá trị vườn dừa. Hướng tới, công ty sẽ phát triển lên 10 ngàn ha. “Vùng nguyên liệu dừa hữu cơ ban đầu của công ty từ 400ha, với sản lượng 6 triệu trái/năm. Đến nay, đã tăng gần 5 ngàn ha với sản lượng trên 60 triệu trái/năm, tập trung chủ yếu tại Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Bình Đại và Thạnh Phú. Hàng năm, công ty tổ chức kết nối nhiều chương trình hỗ trợ người trồng dừa trong canh tác vườn trồng đạt chuẩn hữu cơ, tăng giá trị trái dừa”, ông Cù Văn Thành cho biết.

Ngoài ra, cây giống có vai trò rất quan trọng. Nếu cây giống đạt chuẩn thì giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản. Hiện nay, quy mô sản xuất cây giống được mở rộng với khoảng 1.650ha, khoảng 8 ngàn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh cây giống, sản lượng khoảng 45 triệu cây/năm, gồm các loại như: sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm, bơ, nhãn, xoài, mít…

Phó giám đốc Sở NN và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho hay, việc liên kết sản xuất đã giúp người nông dân thuận lợi trong sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và hữu cơ. Toàn tỉnh hiện có trên 15 ngàn ha cây ăn trái, thủy sản và dừa được công nhận GAP và hữu cơ, đã tiếp tục khẳng định chất lượng nông sản của tỉnh trên thị trường (trong đó dừa trên 5.500ha, chôm chôm trên 113ha, bưởi da xanh trên 95ha, thủy sản trên 8,4 ngàn ha).

Ngoài ra, tỉnh đã cấp 23 mã vùng trồng cây nhãn, chôm chôm, xoài và bưởi da xanh và 31 mã cơ sở đóng gói (trong đó có 2 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP); 2/8 sản phẩm chủ lực được xây dựng chỉ dẫn địa lý, triển khai xây dựng 6 nhãn hiệu tập thể, 4 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Tiếp tục phát huy hiệu quả

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung tạo bứt phá, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, DN, THT, HTX. Kết quả đã từng bước xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, có truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm NN, theo mục tiêu xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm NN chủ lực, chuyển đổi mạnh theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa.

Ngành NN của tỉnh đã tập trung quán triệt và triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu trên với phương châm “sản xuất tập trung, cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị, kết nối hiệu quả vào thị trường”, nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn, tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn nhanh và bền vững, góp phần hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tuy nhiên, việc xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, việc tổ chức lại sản xuất gắn với quy hoạch đất đai và tổ chức lại dân cư khu vực nông thôn để hình thành vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao chưa được thực hiện bài bản, căn cơ. Thói quen sản xuất truyền thống của người nông dân còn phổ biến… dẫn đến tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Bên cạnh đó, hoạt động của các HTX và các DN đầu tàu vận hành chuỗi giá trị (trừ DN chế biến dừa và bưởi da xanh) vẫn chưa đủ mạnh, chưa có tác dụng tích cực đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt và quyết định tính bền vững, hiệu quả của chuỗi giá trị…

Giải pháp trong thời gian tới, Phó giám đốc Sở NN và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết: Sở xác định giải pháp quan trọng trước tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực để người dân thực hiện theo định hướng chung của tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Kết luận số 359-KL/TU của Tỉnh ủy, nghị quyết về phát triển vùng sản xuất NN tập trung; kế hoạch cơ cấu lại ngành NN, gắn với xây dựng NTM, chương trình Mỗi xã một sản phẩm để tạo sự chuyển biến rõ nét trên lĩnh vực NN, nông dân, nông thôn.

Xây dựng mô hình HTX điểm hoạt động có hiệu quả và thực chất, phải phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu vào, đầu ra ổn định cho nông sản; góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, thay đổi bộ mặt vùng nông thôn.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và tổ chức lại dân cư nông thôn; thực hiện các chính sách đặc thù, khuyến khích, kêu gọi đầu tư, thu hút các DN liên kết với người dân, HTX; phát triển mạnh kinh tế hợp tác, phát triển kinh tế NN và đầu tư phát triển hạ tầng, hệ sinh thái nông thôn. Hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, chế biến tập trung, mô hình NN thông minh, NN tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu. Sớm hoàn thiện thủ tục thành lập và đưa vào sử dụng Trung tâm cây giống, hoa kiểng Chợ Lách và hạ tầng kỹ thuật phụ trợ phục vụ nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa giống cây trồng - hoa kiểng có quy mô cấp quốc gia.

Huy động, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án thực hiện cơ cấu lại ngành NN gắn với xây dựng NTM; khuyến khích các dự án ứng dụng công nghệ cao và đầu tư vốn lớn vào NN, công nghiệp phụ trợ để phục vụ phát triển kinh tế NN; tập trung nguồn lực hoàn chỉnh các công trình ngăn mặn, các cơ sở hạ tầng NN, dịch vụ hậu cần…

“Từng địa phương cần chủ động rà soát, lựa chọn những sản phẩm đặc trưng của địa phương, để xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết 30%. Thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông lâm thủy sản, hình thành các cụm công nghiệp chuyên ngành”.

 (Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích